Lạm bàn về cái sự học – Phần 2

Mạnh dạn so sánh hơn về chuyện đi học ở nước ngoài, thì theo như một người thầy của mình kể, học sinh ở Anh vào cấp 1 từ rất sớm (4 tuổi đã vào lớp 1), nhưng phần lớn thời gian của học sinh không phải học văn hoá, mà là chơi những trò chơi để kích thích trí tưởng tượng, tính tò mò, ưa khám phá của trẻ con, ngoài ra còn học các kĩ năng sinh tồn như bơi lội, kỹ năng sơ cứu và cứu hộ căn bản. Như vậy trẻ con sẽ phát triển niềm đam mê của trẻ, từ đó trẻ em có thể bắt đầu định hướng nghề nghiệp tương lai sau này. Sau 12 năm đi học, cùng một số năm ngồi trên giảng đường, mình nhận ra rằng mình giỏi trên trường không quan trọng bằng việc mình phải có niềm đam mê. Mình nhiều kiến thức giống như việc mình hành quân với một balo đầy những vật dụng hữu ích (dĩ nhiên là rất nặng), nhưng sẽ quan trọng nữa, nếu ta chẳng biết mình sẽ đi theo hướng nào, và mình có thật sự muốn đi hay không, khi chiếc balo nặng chịch khiến ta đã quá mỏi mệt, mà chỉ muốn ngồi xuống. Không đi sẽ chẳng thế đến đích, nhiều hành trang cách mấy, nếu không biết đường đến đích thì cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. “Con muốn làm gì, bố mẹ cho con làm, miễn là không trái đạo đức, không vi phạm pháp luật”. Đấy là câu nói mà tôi luôn cho rằng ‘chất như nước cất’.

Một chuyện khác có lẽ sẽ nhạy cảm hơn. Đó là câu chuyện “bệnh thành tích”. Một giáo viên cấp 3 của tôi đã từng tuyên bố rằng nhất định lớp của bà phải đạt điểm thi đua cao nhất khối giống như lớp trước đây bà đã từng chủ nhiệm. Trong suốt cả năm học, bà chỉ thôi thúc học sinh học để có điểm phẩy cao, mặc kệ chúng tôi có gì trong đầu không. Và rồi chúng tôi đã trở thành “lò” thi đua điểm cao, bởi sức nóng khủng khiếp của bà đã thổi vào chúng tôi. Nhưng rồi tôi cũng sớm cảm thấy chán nản việc học (có thể người khác lại rất hợp phong cách dạy của bà), tôi chả thích được là thành viên của một tập thể những “siêu nhân’, tôi chỉ muốn biết tôi học để làm cái gì. Khi mà tôi chả biết tôi sẽ những kiến thức nâng cao, cao siêu kia ở đâu, rồi sẽ áp dụng vào đâu ?

Sau đó, tôi may mắn hơn được đi học tại Australia, không biết vì tôi học giỏi thật, hay được động viên lấy lệ, mà tôi luôn được khen là học sinh top đầu trong lớp. Điều này đã đánh thức được niềm đam mê học hành trong tôi, để phấn đấu thực sự trở thành học sinh top đầu của lớp. Đó là câu chuyện ở nước ngoài.

Tôi rất ủng hộ khi Việt Nam ra quyết sách không chấm điểm cho học sinh, chỉ cho nhận xét. Vì thực sự điểm số thúc đẩy học hành thì ít, nhưng là cái cớ để học sinh mỉa mai, làm xấu hổ nhau thì nhiều. Hãy cho con trẻ được nhận xét, để biết mình sai ở đâu mà sửa, biết cách mà phấn đấu, chứ đừng là liều thuốc độc giết chết niềm say mê khám phá của trẻ con. 

Câu chuyện về Edison luôn là bài học nổi tiếng về giáo dục, lời khen dành cho một con người đang tuyệt vọng thì còn có ích hơn ngàn lần việc dè bỉu một người giỏi để thúc đẩy họ thành công hơn nữa. Nhưng lời khen cũng có mặt trái, dùng thế nào cho đúng, cho đủ thì đấy lại là vấn đề của các nhà giáo dục, mà tôi sẽ không dại gì mà lạm bàn thêm.

to be continued

Leave a Reply

Your email address will not be published.