Nhân việc hôm nay mình lại nhớ ra câu chuyện khá thú vị về học tập. Nên mình lại tiện tay bàn về một số vấn đề trong giáo dục hiện nay. Trước hết mình cần giải thích, tại sao lại là lạm bàn. Vì mình chẳng phải là một chuyên gia về giáo dục, mình chỉ là người đã từng trải qua hai nền giáo dục khác nhau, nên thoạt nhiên sẽ có những so sánh, vậy thôi. Nhiều bạn có gia đình đọc rồi sẽ nói “Ông thì biết cái quái gì về giáo dục mà nói, đã có gia đình chưa mà bàn luận như đúng rồi thế, blah và blah”. Nhưng như tên blog của mình, mình sẽ bàn luận một cách ngây thơ nhất của một đứa trẻ đã từng đi học.
Câu chuyện thú vị mình đã từng gặp như sau, chuyện chả là mình có sang nhà bà bác chơi, cũng là cửa hàng của nhà bác, thì ở đấy có anh nhân viên đang có con đi học cấp 1 (hình như là lớp 2), có hỏi mình về bài tập về nhà của con anh ấy, nhờ mình giải hộ. Thật ra anh đã có đáp án từ trước, bài toán cũng không khó giải, nhưng vì tính chất ngôn từ của câu đố, nên người đọc rất dễ hiểu nhầm đề bài, kết quả mỗi người anh ấy hỏi, lại đưa ra một đáp án khác nhau. Thế là cuối cùng anh quyết định nhờ cho thêm ý kiến vì nghe nói ngày xưa mình cũng học được môn Toán. Sau khi mình giải xong, và giải thích tại sao đáp án đấy lại đúng. Anh chỉ chép miệng rồi bảo : “Các cô cho bài tập cho các cháu kiểu gì, đến bố cháu còn chả giải được, huống chi là các cháu”. Đây là một câu chuyện khá phổ biến. Ngày trước đi học, mình cũng thấy khá lạ khi chương trình luôn có bài đố mẹo để thử thách học sinh, nhưng sự thực thì ý nghĩa của câu hỏi thường được hiểu theo mỗi người một ý, nếu học sinh không giải theo cách hiểu của giáo viên, vậy là giải sai rồi. Ngoài ra, chuyện lớp 1 học bài nâng cao (học cơ bản các cháu còn chưa xong) là bài của lớp 2 không còn là chuyện ít gặp, và cứ như vậy, khi các cháu đi học, hoá ra là các cháu toàn học trước chương trình. Điều này thì không thể trách các thầy cô, nếu không dạy nâng cao, các thầy cô càng nhàn, mà được tiếng là dậy ‘đúng chương trình’. Áp lực của các bậc cha mẹ mới là vấn đề mấu chốt, sợ con không bằng bạn bằng bè, nên phải cho con học ‘hơn người’ và thế là tuổi thơ của các cháu chỉ còn là những ngày ôm sách vở, đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Chuyện học thêm cũng vậy, bây giờ bảo thầy cô không tổ chức lớp dạy thêm, nhưng bản thân phụ huynh cũng đứng ngồi không yên, vì sợ con không ‘bằng bạn bằng bè’. Thời buổi bây giờ không học thêm nhiều thì làm sao đuổi kịp kiến thức với chúng bạn, khi quyển sách đã là trở thành phụ kiện của trẻ con, thì đầu to bằng mười quả bưởi dĩ nhiên cũng là mốt. Nếu bạn bất chợt đi qua một trung tâm tiếng Anh nào đó tầm 17h – 19h thì bạn sẽ luôn thấy đường đông nghẹt vì phụ huynh chờ trước cổng đón con đi học về. Những cô, cậu bé khoác vội chiếc cặp 4-5kg chạy vội vào lớp, tay cầm chiếc bánh mì hoặc gói xôi hoặc may mắn hơn là đang ăn vội vã cho kịp giờ học. Những hình ảnh đấy giờ chả còn quá xa lạ với người dân, vì ai mà chả thế. Về chuyện học tiếng Anh, một tiến sĩ về ngôn ngữ học đã từng nói với mình rằng trẻ con sẽ học ngoại ngữ tốt nhất sau năm 15 tuổi, thời gian học trước đó, có thể sẽ hiệu quả, nhưng sẽ mai một rất nhanh. Khi mình nói những điều này với một số cặp vợ chồng bạn mình, thì nhận lại: “Ông bị dở hơi à, bây giờ không học thì làm sao bằng bạn cùng lớp, mới cả học sớm thì mới giỏi được chứ”. Sự sân si của bố mẹ đã làm cặp kính của các con dày hơn, và tuổi thơ của các con thì chẳng có gì ngoài đi học thêm. Nhưng biết sao được, con của họ, họ có quyền, và đừng nên làm kẻ “lắm lời”.
to be continued …