Đường lên đỉnh Olympia và những tranh luận chẳng bao giờ hết

Đã 20 năm kể từ ngày chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng tập đầu tiên, và vẫn sẽ là một đề tài tranh luận chẳng bao giờ có hồi kết cho câu hỏi: “Tại sao quán quân Đường lên đỉnh Olympia không về nước. Đây sẽ là một đề tài nhạy cảm, mà mình sẽ chẳng mấy khi bàn luận, vì nó có thể coi là màn ‘đá đểu anh em’ ghê gớm, bởi vì một số người từng bạn học, cũng như đàn anh, đàn chị chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho mình. Nhưng trong bài này, mình sẽ bày tỏ quan điểm dưới góc nhìn của một du học sinh, người mà đã có những trải nghiệm như họ.

Với mình thì Đường lên đỉnh Olympia chưa bao giờ là một gameshow hấp dẫn. Vì tôi nhận ra rằng mỗi năm chúng ta đều tuyển chọn những thí sinh giỏi với niềm kỳ vọng họ sẽ về xây dựng đất nước và rồi lại mất trắng ‘nhân tài’ đấy nơi xứ người. Câu chuyện về chảy máu chất xám chưa bao giờ lỗi thời. Từ thời xa xưa, đã có những câu chuyện về chảy máu chất xám người Việt, đó là câu chuyện về lương y Tuệ Tĩnh, Nguyễn An và Hồ Nguyên Trừng. Bạn có biết không ? Niềm tự hào của Trung Quốc, Tử Cấm Thành nguy nga tráng lệ, thực chất được thiết kế bởi một người Việt là ông Nguyễn An.  Súng thần công (hay còn gọi là súng đại bác) được thiết kế bởi Hồ Nguyên Trừng, con trai thứ của Hồ Quý Ly. Những thành tựu về y học của lương y Tuệ Tĩnh đã quá nổi tiếng. Nhưng vì nhiều lý do, những con người kiệt xuất trên đều phải định cư ở Trung Quốc (dù cho rất nhiều tài liệu của họ nói lên nỗi nhớ quê hương Việt da diết). Rồi thế giới sẽ mãi chỉ ghi nhận những thành tựu, phát minh để đời kia là “made in China”. Bạn có xót xa ?

Ở đây tôi sẽ tóm lược ở những lý do chính khiến cho người Việt e ngại khi về quê hương lập nghiệp:

  1. Cảm thấy không phù hợp với môi trường làm việc ở Việt Nam: đây là lý do đa số người Việt ở nước ngoài đã từng thừa nhận. Trong phong cách làm việc ở Việt Nam và Australia (hay các nước châu Âu cũng tương tự), luôn tồn tại sự khác nhau. Điển hình như câu chuyện sau đây. Tôi có một anh bạn, anh bạn này có một câu (mặc dù không phải nói với tôi, nhưng như là nói với tôi vậy): “anh khuyên mày nên ở lại Úc em ạ, về VN thì đứa trẻ con 3 tuổi cũng lừa được mày”. Đó là sự thực về thực trạng mội trường làm việc ở Việt Nam (tuy không phải tất cả), hoặc ít nhất cũng là cách nhìn nhận của những du học sinh về môi trường làm việc ở Việt Nam. Những người tài giỏi trở về nước với trí tuệ siêu việt, cũng kiến thức uyên bác, nhưng để làm việc và thành công thì có trí tuệ thôi là chưa đủ.
  2. Điều kiện việc làm tốt, lương bổng cao: với một số ngành nghiên cứu khoa học, thì điều kiện cơ sở vật chất của nước ta chưa thể đáp ứng nhu cầu tìm tòi khám phá của những nhà nghiên cứu, ra nước ngoài làm việc là giải pháp để họ có thể phát triển sự nghiệp. Vấn đề lương bổng cũng nắm vai trò quyết định trong việc về hay ở lại của sinh viên Việt, làm ở nước ngoài lương thường cao hơn ở Việt Nam (đa số mọi người đều nghĩ vậy), điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các tân cử nhân. Có người cũng từng chia sẻ với tôi rằng, đất nước đã làm gì cho họ, bố mẹ sinh ra họ, nuôi họ nên người, cho họ đi du học, thì tại sao khi thành đạt họ lại phải đóng góp cho đất nước, họ chỉ muốn thoát nghèo, sẽ không còn những ngày tháng cơ cực ở quê nhà, bố mẹ họ sẽ được sống sung túc hơn, đơn giản chỉ vậy thôi.
  3. Đơn giản là thích sống ở nước ngoài: với nhiều người thì họ luôn có quan điểm chê xã hội Việt Nam, mà đã không thích rồi, thì sẽ có muôn vàn lý do để không sống ở Việt Nam, dĩ nhiên là sẽ không làm việc ở Việt Nam, và không cống hiến cho nước nhà cũng là lẽ đương nhiên. Họ đơn giản là muốn có một cuộc sống mới tại “miền đất hứa”. Cuộc đời là của họ, họ đơn giản là có quyền.

Những ý kiến ngoài lề:

Một số nhiều quán quân Đường lên đỉnh Olympia phát biểu trước khi sang Australia rằng, nhất định sẽ quay trở về để xây dựng đất nước. Nó như những liều thuốc an thần hay giảm đau nhẹ cho những cơn đau nhức nhối của người Việt “chất xám người Việt nơi xứ người”. Nhưng khi liều thuốc đã tan, 20 năm trôi qua, 18 quán quân đã đi sang Australia để hiện thực hóa giấc mơ của mình, 1 quán quân chuẩn bị lên đường du học, chỉ có 3 người đã thực sự quay về làm việc tại Việt Nam. Một số người từng nói đã quá mệt mỏi, khi luôn bị đặt lên áp lực là đi du học với vị thế của một quán quân Đường lên đỉnh Olympia là phải về cống hiến cho đất nước. Cuộc đời là của họ, họ có quyền sống theo ý của họ. Nhưng hãy đặt hoàn cảnh vào vị trí của dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử đến nay, người Việt sẽ phải chứng kiến bao nhiêu lần ‘chảy máu chất xám’ nữa đây ?

Sẽ là cả quá trình dài để giải đáp cho câu hỏi, làm sao để thu hút người Việt xa xứ về quê xây dựng đất nước. Tôi sẽ chẳng chê trách ai cả, vì ai cũng có cái lý của riêng mình, cuộc đời của riêng mình. Nhưng tôi tin rằng dân tộc Việt Nam vẫn luôn mong chờ những con người có thể làm rạng danh non sông đất nước như bác Hồ đã từng mong đợi, những người sẽ đứng trên những diễn đàn của thế giới, vỗ ngực tự hào và nói: Tôi là người Việt Nam !

Leave a Reply

Your email address will not be published.