Trong ngôn ngữ, văn hóa của người Việt, từ “mâm cơm” là chỉ bữa ăn sum họp của một gia đình, hay là chỉ một tổ hợp các món ăn trong bữa cơm vào một dịp nào đó mà tề tựu đông đủ cả nhà. Từ “ mâm cơm” ấy đã quá quen thuộc với chúng ta, dù chúng ta không nhiều người biết chiếc mâm xuất xứ từ đâu, từ khi nào, nhưng hình ảnh của nó đã đi sâu vào trong tâm trí, văn hóa của người Việt chúng ta từ lâu.
“Mâm” là một dụng cụ trong bữa ăn, nó quen thuộc tới độ, tần suất sử dụng của nó vượt trên tất cả các dụng cụ khác dùng trong bữa ăn như thìa, đũa, bát, đĩa, muôi..v.v. Qua năm tháng, ông bà ta đã sáng tạp ra chiếc mâm để khiến việc bưng đồ ăn trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu sức người nấu ăn, giúp họ tránh phải di chuyển nhiều lần cho công việc lặp đi lặp lại. Điều đó đã khiến ảnh hưởng của chiếc mâm đối với bữa cơm Việt qua nhiều năm tháng không những không giảm đi mà còn duy trì và phát triển hơn.
Nhưng rồi sự hiện đại hóa trong đời sống đã dẫn đến nhiều thay đổi trong bữa ăn của người Việt, vai trò của chiếc mâm trong nhiều gia đình đã ít nhiều mai một. Nhiều người không còn bày mâm lên bàn ăn nữa, hay không dùng mâm để bưng thức ăn như xưa, đặc biệt trong những gia đình đề cao sự tối giản trong ăn uống, không cầu kỳ nhiều món ăn hoặc không có nhiều thời gian dành cho việc ăn uống.
Nhưng liệu người ta sẽ thấy thiếu đi một phần ký ức gắn liền với những cái mâm, những ngày còn nhỏ ăn cùng ông bà, cha mẹ, được cả nhà yêu chiều. Có thể một ngày chúng ta sẽ không dùng chiếc mâm để bưng cơm nữa, nhưng những ký ức của một thời tuổi thơ chẳng bao giờ thôi chảy, như chiếc đập nước chứa đầy những kỉ niệm, chiếc mâm như những chiếc “chìa khóa” mở cửa đập cho những ký ức ùa về, tuôn trào chảy khắp con người ta.
Chiếc mâm không chỉ là chiếc mâm, không chỉ là vật dung để bưng đồ ăn hàng ngày. Nó còn là ý nghĩa của “đoàn tụ” như ông bà ta vẫn hay nói. Tất cả đồ ăn khác nhau được để chung trên một chiếc mâm, là ẩn dụ của cho hình ảnh những con người có thể khác nhau về sở thích, tính cách, dáng hình nhưng ngồi cùng nhau, đấy là một gia đình. Hơn nữa, họ còn là máu mủ, ruột thịt của nhau. Mâm thường hình tròn – là hình tượng trưng cho sự tròn đầy hạnh phúc, phải chăng ông bà ta đã gửi gắm trong đó hình ảnh quây quần, đoàn tụ mà bấy lâu nay chúng ta chưa nhận ra. Cái ý nghĩa “gia đình đoàn tụ” to lớn ấy được nhìn thấy mỗi ngày thông qua chiếc mâm cơm, nhắc con người ta dù ở những phương trời xa lạ, hãy nhớ về đoàn tụ, quây quần bên nhau quanh chiếc mâm tròn đầy.
Chiếc mâm dù chỉ là một phần nhỏ trong văn hóa người Việt, nhưng nó tượng trung cho nếp nhà. Dẫu văn hóa ta có giao thoa với những dân tộc khác trên thế giới, dẫu cho xã hội có đổi thay, thì chiếc mâm cơm vẫn là chiếc mâm cơm gia đình, những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, triết lý bất biến về gia đình sẽ không bao giờ mai một.