Một câu hỏi quen thuộc được đặt ra mỗi khi chúng ta định thưởng thức một bộ phim nào đó, đó là Bộ phim đó có hay không ? Câu hỏi này thường từ những khán giả tương lai (những người có dự định xem phim) gửi tới người thân, bạn bè để đánh giá một bộ phim có đáng để bỏ thời gian ra để thưởng thức. Và nếu thời gian là hữu hạn, thì thật lãng phí khi bỏ thời gian để xem một bộ phim không hay. Nhưng đó chưa bao giờ là một câu hỏi dễ, mỗi người trong chúng ta ai cũng sẽ có ý kiến riêng về việc đâu là sẽ bộ phim hay nhất, ấn tượng nhất và đi vào lòng người nhất. Câu hỏi thật ngắn gọn, câu trả lời cũng thật ngắn gọn, chỉ là Có hoặc Không hoặc Đừng xem . Nhưng bài viết này sẽ chọn cách trả lời dài dòng nhất, những sẽ súc tích và khách quan nhất có thể. Chúng ta sẽ đi vào phân tích thế nào là một bộ phim hay và những tiêu chí đánh giá, yếu tố, nhân tố cơ bản nào để làm nên một bộ phim hấp dẫn trong lòng những người yêu phim.
Phim ảnh vẫn luôn là một chủ đề đa dạng và phức tạp. Bạn có bao giờ nhớ hết có bao nhiêu thể loại phim ? Phim hành động, phim chính kịch, phim hài kịch, phim kinh dị, phim khoa học viễn tưởng, phim lãng mạn, phim hoạt hình, phim tài liệu… là những thể loại phim chính trong vô vàn các thể loại phim hiện nay. Từ thuở sơ khai, phim ảnh đơn giản để giải trí, mua vui cho khán giả. Vậy nên, một bộ phim hay phải đáp ứng được nhu cầu cần được giải trí của khán giả, để khán giản có những giây phút thoải mái sau giờ lao động, được đẩy đưa trong những cảm xúc mà trong công việc nhàm chán của họ không thể nào có. Dần dà phim ảnh trở thành một phương tiện truyền thông để gửi gắm những thông điệp đầy ý nghĩa đến khán giả, hướng con người đến với những giá trị chân-thiện-mỹ mà có lúc nó đã bị bỏ quên trong cuộc sống này. Đôi khi phim ảnh còn là một công cụ giáo dục, định hướng hiệu quả khi mà những phương pháp giáo dục truyền thống dần trở nên lỗi thời vì thiếu sự đổi mới trong tư duy giảng dạy cũng như cách trình bày. Chính nhờ sự chuyển mình này, phim ảnh dần mang một ý nghĩa khác, nó không nhất thiết phải giải trí, nhưng nó phải truyền tải được thông điệp mà nhà sản xuất muốn gửi đến. Nó không chỉ truyền tải được mà còn phải truyền đạt hiệu quả, khiến cho những điều được đúc kết phải đi sâu vào tiềm thức, và suy nghĩ của người xem.
Trong các tiêu chí của một bộ phim hay, phải kể đến tiêu chí đầu tiên đó là mang tính giải trí. Vậy mang tính giải trí là gì ? Chính là khán giả họ cần cảm xúc gì thì bộ phim đó phải đưa đến cảm xúc ấy cho khán giả. Ví dụ, họ cần những tiếng cười, thì phải đi xem phim hài, nhưng phim hài đấy phải gây cười, đấy mới là được bộ phim hay. Một bộ phim tâm lý phải đề cập đến những vấn đề của xã hội, tâm lý con người, đối nhân xử thế xung quanh. Một bộ phim tình yêu đẹp phải thật sự lãng mạn, nhân vật phải thể hiện cảm xúc của người đang yêu. Một bộ phim hành động thì phải thật mãn nhãn, thu hút người xem từ những chiêu thức đầu tiên, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình. Những bộ phim mang tính chất giải trí này đôi khi không cần một kịch bản xuất sắc, hay trình độ diễn xuất bậc thầy của diễn viên. Nó cũng không nhất thiết phải sâu lắng, ý tứ thâm sâu để tham gia cho những Đề cử của những Liên hoan phim danh tiếng. Một bộ phim hay mang tính giải trí chính là một bộ phim đơn thuần đưa được cảm xúc mong muốn đến cho người xem và đơn thuần là để giải trí.
Tiêu chí thứ hai để một bộ phim hay được đánh giá đúng đó là phải mang thông điệp ý nghĩ để truyền tải đến người xem. Ví dụ như nhưng bộ phim lịch sử phải diễn tả được khung cảnh lịch sử chính xác vào thời điểm đó, để người xem có thể hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà, khơi dậy tinh thần dân tộc. Hay một bộ phim tài liệu thì phải diễn tả được khung cảnh sống của những con người đặc biệt (người làm việc tốt, người có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên..v.v) để người xem thêm yêu và quý trọng họ hơn. Bộ phim về thiên nhiên, môi trường thì phải diễn tả được thực trạng môi trường ngày nay, để người xem ý thức được việc bảo tồn thiên nhiên quan trọng thế nào đến đời sống con người. Những bộ phim này có thể không có kịch bản hay, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ về nắm bắt bối cảnh để có được những cảnh quay chân thực nhất, tác động mạnh mẽ đến ý thức của người xem. Hay những bộ phim về chiến tranh phải diễn tả được sự khốc liệt của cuộc chiến, nó không phải để diễn tả sự hoành tráng, quy mô của cuộc chiến, nhưng để người thế hệ sau hiểu được chiến tranh là mất mát, là những sự hi sinh, để người sau thêm trân quý giá trị của hòa bình Để đạt được tiêu chí này, một bộ phim phải mang đến thông điệp dễ hiểu, dễ thấy, nhưng phải thật cuốn hút người xem.
Nhưng cũng không thể quên, một bộ phim lôi cuốn phải chạm đến được cảm xúc bên trong sâu thẳm của người xem. Người xem như cảm thấy được sống trong nhân vật, thương cái đáng thương của nhân vật, yêu cái yêu của nhân vật, và giằng xé trong cái nỗi đau của nhân vật. Bạn đã bao giờ xem một bộ phim chỉ vì tình cờ, nhưng nó lại khiến cho bạn phải ngồi xem từ đầu đến cuối phim, rồi khi phim kết thúc, bạn nhận ra nước mắt đã rơi lúc nào không hay ? Hay một câu chuyện tình yêu bi lụy, trao đi thật nhiều, nhưng chẳng nhận được bao nhiêu; một câu chuyện tình chưa trọn vẹn đầy xúc động; một mẩu chuyện đời rất đời, mà ta dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ta nhận ra hóa ra có những mảnh đời đã bị lãng quên, cần được yêu thương, chở che và đùm bọc. Tất cả những câu chuyện đó sẽ chẳng ai biết, nếu những nhà làm phim không đưa được nó lên phim, không lay động được cảm xúc của khán giả, và truyền tải nó đến thật nhiều người để những câu chuyện đó sẽ không bao giờ bị quên lãng.
Vẫn luôn còn nhiều ý kiến nữa về thế nào là một bộ phim hay, dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả, cũng như tổng hợp từ những ý kiến của những bạn yêu phim ảnh, bài viết mong rằng đã tóm lược những tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá một bộ phim hay. Dẫu còn nhiều sơ sài, rất mong độc giả đón nhận và đóng góp ý kiến để bài viết này được hoàn thiện tốt hơn.