Câu chuyện của Sao La

Sao La được mệnh danh là “kỳ lân Châu Á”, vì sự bí ẩn của nó. Kể từ khi nó được tìm thấy vào năm 1992 ở vùng núi rừng Trường Sơn giáp biên giới với Lào, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu đã “ăn, ngủ” trong rừng để được nhìn thấy tận mắt hoặc chỉ để chụp được ảnh của con vật này. Nhưng nhiều năm qua, chưa nhiều người được thấy, dù nhiều bẫy ảnh đã được đặt để con người có cái nhìn gần hơn về loài vật đang được xếp vào trong Sách Đỏ vì có nguy cơ tuyệt chủng vào hàng cao trên thế giới. 

Cách xa nói núi rừng Trường Sơn hàng trăm cây số, nhiều người Việt Nam vẫn chưa ý thức được sự tồn tại của Sao La cho đến khi nó được chọn là linh vật của Sea Games 31. Và thực sự từ khoá “Sao La” được tìm kiếm nhiều hơn trước rất nhiều, khiến con người biết rõ hơn về loài động vật quý hiếm này. Trên thế giới, khi mà người ta đã nhận thức về Sao La và thậm chí đổ xô tới Việt Nam để tìm hiểu về chúng, nơi sống của chúng, để góp phần cho sự bảo tồn của giống loài này. Điều này đủ hiểu Sao La xứng đáng phải được bảo tồn như thế nào, nhưng trong một thời gian dài, chúng đã không được công nhận và bảo tồn ngay tại quê hương của chính mình. Một số người sẽ tự hỏi sẽ tìm thấy Sao La ở đâu, và rất muốn góp phần để bảo vệ nó, nhưng sẽ có nhiều người bàng quang trước sự tồn tại của chúng, và chép miệng “muốn tìm Sao La thì ra quán nhậu mà tìm”. Điều đó là đúng, vì với nhiều người Sao La chỉ là một loài thú rừng hơn là một loài động vật đang cần được bảo tồn trên Trái Đất. Nhưng các câu chuyện về chúng với người dân địa phương thì câu chuyện về Sao La là câu chuyện về những người bạn của con người. 

Sao La luôn được biết là loài động vật hiền lành, nhút nhát và đặc biệt thân thiện với con người. Có những câu chuyện về những đứa trẻ lạc trong rừng, được ôm Sao La con ngủ, được Sao La mẹ sưởi ấm như những đứa con của mình, rồi chúng dẫn bọn trẻ trở về đường chính, để tìm đường về nhà. Rồi những cái vẩy chân thật nhanh khi gặp thú dữ, đôi mắt trong veo ngơ ngác khi nhìn mọi thứ xung quanh. Những điều đó chỉ thể hiện qua lời kể của những cô, cậu bé thuở nào, nay đã là những người lớn trưởng thành, nhưng hồi ức được gặp Sao La ngày bé vẫn còn nguyên vẹn. Sao La dễ thương và vô tội, chúng không tàn phá môi trường, càng không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vậy nên chả còn gì bàn cãi mà phải bắt tay ngay vào việc bảo vệ chúng khỏi những nguy hiểm từ môi trường và các nguyên nhân chủ quan khác. Chính vì vậy, chọn Sao La là linh vật của Seagames 31 càng trở nên ý nghĩa khi nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã.

Đó là suy nghĩ của con người. Nhưng ước mơ thật sự của Sao La là gì nhỉ ? Người ta sẽ chỉ biết ít nhất là Sao La sẽ được nhìn thấy hình ảnh của chính mình trên báo, đài, băng rôn, khẩu hiệu treo ở khắp nơi, trên những nẻo đường mọi người sẽ biết về nó. Nhưng có lẽ nó chỉ mong được bình yên sống trên chính mảnh đất quê hương mà nó sinh ra, như bao đời này nó vẫn sống. Chắc chúng vẫn mơ về những ngày dạo chơi bình an trong rừng, đạp chân lên thảm cỏ quen thuộc, ăn lá rừng, cùng bao bạn bè vây quanh, chăm sóc gia đình của mình. Đó chắc hẳn là ước mơ giản dị của Sao La. 

Hãy bảo vệ sao la, cũng như tất cả các loài động vật trong rừng khác. Hãy bảo tồn sự đa dạng hoá trong thiên nhiên, đối xử tốt với thiên nhiên cũng chính là đối xử tốt với tương lai của con người sau này. Mong sau này, thật nhiều cá thể Sao La sẽ được bảo tồn, và gia tăng về mặt số lượng. Để người Việt sau này sẽ không phải chỉ biết Sao La qua sách vở, hay những câu chuyện truyền miệng, mà được nhìn thấy chúng bằng xương bằng thịt, đi bộ nhởn nha trong rừng, giương đôi mắt tròn to hồn nhiên và vô tư lự. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.