Chuyện ăn uống vốn là chuyện muôn thuở, và chuyện ăn hàng, quán cũng trở nên phổ biến trong xã hội bận rộn ngày nay. Nhân hôm rồi, có “hóng” được cuộc tranh luận giữa “các chuyên gia” về chuyện ăn cơm nhà, hay ăn cơm hàng, tác giả cũng ngẫu hứng tổng hợp lại các ý kiến kết hợp với trải nghiệm thực tế của bản thân thành một bài tản mạn luận về các quán ăn ở Việt Nam.
Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa ăn hàng là gì. Ăn hàng ở đây có thể hiểu là ăn ngoài, hoặc ăn tiệm (theo phương ngữ của người miền trong). Hoặc có thể mua đồ ăn về nhà, gọi giao đến nhà, miễn là không phải ăn đồ ăn nhà tự nấu, thì gọi là ăn hàng.
Người ta đi ăn hàng vì hàng tá lý do. Lý do đầu tiên là tiết kiệm thời gian. Đối với các gia đình bận bịu, tiết kiệm được khoản thời gian vào bếp thì quả là lý tưởng, vừa tranh thủ thời gian kiếm tiền, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn là tăng thời gian hưởng thụ cuộc sống, đơn giản dành thời gian đó để xem TV, hát karaoke cùng nhau thôi, thì cũng được coi là nâng cao chất lượng cuộc sống lắm rồi. Lý do tiếp theo đó là ăn hàng có thể khỏa lấp được khiếm khuyết của của những “ông, bà nội trợ”. Cứ tưởng tượng mà xem, bạn muốn đãi vợ / chồng bạn một bữa ăn ngon sau cả ngày dài mệt mỏi, hoặc là làm lành với đối phương bằng một bữa cơm “do-it-yourself”. Nhưng nếu trình độ nấu ăn của bạn dở tệ, thì thậm chí bạn không đưa họ đến chốn êm ái, bạn còn dẫn họ đến cơn thịnh nộ ngập đầu. Đặc biệt hơn, nếu vợ / chồng bạn là người thích tung “quyền cước vật lý” (thay vì võ mồm), thì khả năng bạn bị “vả vỡ alo” là rất cao. Cho nên ăn hàng cũng là một cách hay để “yên ấm cửa nhà”. Ngoài ra, còn một lý do nữa nghe tưởng không liên quan, tuy nhiên, nếu bạn nói lý do này ra, thì chắc hẳn ai cũng khen bạn “có tầm” kinh tế vĩ mô. Đó là đi ăn hàng giúp phát triển kinh tế. Tại sao ư ? Khi bạn đi ăn hàng là bạn đã đẩy mạnh chi tiêu quốc nội, giúp gia tăng thu nhập trực tiếp cho chủ quán, và giúp hàng ngàn lao động có việc làm (bao gồm nhân viên phục vụ và các shipper). Nói một cách “chanh sả” hơn, bạn đang kích thích tiêu dung, đóng góp trực tiếp vào kinh tế-xã hội nước nhà. Nói đến đây, bạn đã thấy mình “vĩ đại” hơn chưa ?
Nhưng việc ăn hàng cũng tồn tại nhiều lý do mà khiến nhiều người vẫn quyết tâm trung thành với cơm nhà.
Bạn ăn hàng đồng nghĩa với việc bạn đang phó mặc túi tiền, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của gia đình bạn vào tay người khác. Đầu tiên, bạn ăn hàng thì vốn luôn đắt hơn ăn nhà. Vì ở ngoài hàng, bạn ăn một món ăn thì ngoài món ăn bạn đang thưởng thức, bạn đang chịu cả một đống chi phí như công nấu nướng, phục vụ, thuê mặt bằng, vân vân và mây mây đi kèm với việc món ăn đó được dọn ra tận bàn cho bàn. Nên nếu bạn khá giả, thì vấn đề đó không phải là vấn đề quá lớn, nhưng với đa số hộ gia đình, thì nó rất đáng được lưu tâm. Ngoài ra, ăn theo kiểu tùy hứng, và không theo một chế độ dinh dưỡng nào, cũng khiến ảnh hưởng đến tiêu hóa, dù cho món ăn đó có thuộc hàng bổ dưỡng như thế nào. Chưa kể, vấn đề an toàn vê sinh thực phẩm (ATVSTP), vốn trước giờ luôn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, mà trong suốt nhiều năm qua, chúng ta vẫn có phương án xử lý phù hợp. Bạn đang ăn một món ăn mà không nguồn nguyên liệu có đảm bảo không, nấu nướng có hợp vệ sinh không, thì chính là bạn đang phó mặc sức khỏe của bạn cho những người mà sẽ không quan tâm đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cũng có nhiều người làm đồ ăn quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, đặt chữ tín lên hàng đầu. Họ xứng đáng được ủng hộ để được cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Nếu bạn đang thưởng thức những món ăn từ những doanh nghiệp như vậy, thì bạn đang có trách nhiệm với chính sức khỏe của bạn và gia đình.
Các quán ăn phổ biến
Phần này chúng ta sẽ bàn luận về các kiểu hàng quán ăn mà các cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam đang thực hiện. Để phân loại các loại hình quán ăn này, chúng ta sẽ đi theo 3 tiêu chí: giá cả món ăn, chất lượng món ăn, thái độ phục vụ.
Giá phải chăng, chất lượng ổn, thái độ phục vụ ổn. Đây là tiền thân của hầu hết các quán ăn ở Việt Nam. Họ đi lên từ chính thực lực của mình, giá cả, chất lượng, thái độ phục vụ đều rất ổn. Một số lượng quán ăn vẫn đi theo hướng này, để tiếp tục thu hút thực khách, gia tăng giá trị của quán ăn trong mắt thực khách.
Giá lên, chất lượng đi xuống, thái độ phục vụ kém. Đáng buồn là khá nhiều quán ăn ở nước ta đang theo đuổi mô hình này. Quán ăn này có thể khi mới mở, là một loại hình hàng ăn như trên, với giá cả phải chăng, chất lượng đồ ăn ổn, thái độ phục vụ niềm nở. Nhưng sau một thời gian, khi đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trong lòng các thực khách. Họ bắt đầu đề cao đến việc gia tăng lợi nhuận, thay vì uy tín với khách hàng. Họ thản nhiên tăng giá vì những lý do muôn thuở như giá nguyên liệu đầu vào tăng, lương nhân viên tăng v..v…Chất lượng đồ ăn cũng giảm sút vì đã giảm nguyên liệu tạo nên thành phẩm, hoặc trà trộn các nguyên liệu rẻ tiền hơn vào đồ ăn để giảm bớt chi phí. Thái độ phục vụ niềm nở trước khi cũng thay bằng thái độ hách dịch, “ăn thì ăn, không ăn thì nghỉ”. Nhưng lượng khách quen của họ vẫn tới ăn một cách đều đặn, như những “con chiên ngoan ngoãn” chẳng hề mảy may đến mình đang ăn thứ gì, cũng như không quan tâm đến thái độ phục vụ của nhà hàng. Những quán ăn kiểu này, thường thu hút vì thực khách Tây vì thói quen “thèm của lạ”. Vì từ khi sinh ra đến giờ, họ đã bao giờ được cái cảm giác đã bỏ tiền ra mua đồ ăn, nhưng khi ăn vẫn bị chửi mắng sấp mặt. Ngoài ra, có một số khách chưa hiểu tiếng, thì lại còn thấy thú vị vì chủ quán có “máu văn nghệ”. Tuy nhiên, lượng khách nội địa đến ăn (bao gồm cả khách quen lâu năm của quán) thì khác. Họ không thích điều này, và nếu có lỡ “đến nhưng không gặp lại”.
(còn tiếp)