Tà xùa, ngày quên âu lo

Ngày đến Tà Xùa, nhiều người vẫn không khỏi bỡ ngỡ với mùa đông của miền núi nơi đây. Ngay cả khi họ đã quen với cái mùa đông lạnh giá những vùng ở dưới xuôi, nhưng cái lạnh nơi đây cũng thật khác lạ. Nó là cái lạnh buốt phả vào mặt người đi đường như khi ta vừa mở cửa tủ lạnh. Luồng không khí lạnh ấy đi thẳng qua cuống họng rồi chạy thẳng vào phổi của những người chưa kịp chuẩn bị khăn ấm, đã vội vàng hít thật sâu không khí nơi đây. Cả những làn gió lạnh buốt thổi vào những khe hở ở cổ tay, cổ chân làm toàn thân phải gồng cứng lại để giữ ấm. Lẫn trong cái lạnh lạ lùng đấy, là làn mây mù đang tới, khiến cho họ không cảm thấy những người xung quanh mình, chỉ trừ những người đang nắm tay nhau. Những du khách đang tới đây để tìm mây.

Sau quãng đường dài ngồi xe 5 tiếng đồng hồ, khi cơn say xe còn làm cho những vị khách ở đây còn chuếnh choáng, đôi chân chút loạng choạng, những làn sương mù của buổi trưa Tà Xùa chào đón chúng tôi, khiến khung cảnh ở đây càng trở nên mờ ảo hơn. Cứ như trong cơn mơ màng của buổi sáng, cho đến khi tiếng máy xe của người dân đánh thức người ở xa đến trở về với thực tại. Homestay ở đây thường ở bên cạnh những thung lũng, để du khách tiện việc đón mây buổi sang. Buổi sáng chỉ cần mở cửa sổ ra, là mây đã kịp gõ cửa để đánh thức những người còn cuộn tròn trong chăn. Thế nên các Homestay thường có lối đi từ đường ngoài vào những con dốc lên hoặc xuống với độ dốc khá. Đôi khi làm những người không quen đi xe máy phải ngại ngùng, mà đi bộ. 

Ở đây nhà nào cũng nuôi nhiều chó, chúng thoải mái nô đùa với con người như những người bạn thân thiện. Chỉ vừa tới đầu dốc, là những chú chó ưa náo nhiệt đã chạy đến vẫy đuôi liên hồi như cách chào chúng vẫn hay làm. Những chú chó ở đây đa phần có bộ màu lông trắng, như khoác lên mình chiếc áo mây. Chúng cứ mải mê đuổi bắt nhau trên đường, khiến cho hình ảnh những chú chó phi ra từ trong đám mây trở nên thân thuộc hơn trong những ngày ở đây. Ở một góc nọ, một số chú chó vẫn cuộc tròn với đám con, mắt lim dim ngủ dù cho xung quanh có náo nhiệt ra sao. 

Người ta thường hay nói đi săn mây như bài kiểm tra “nhân phẩm”, bởi không phải ai lên đây cũng có được may mắn được mây vờn quanh mình. Cái cảm giác săn mây lôi cuốn đến độ nhiều người phải lên đây vài lần trong năm để có được cảm giác được lẫn mình vào trong mây. Sự phấn khích ấy đã lấn át đi cái chếnh choánh, cái mệt mỏi của chuyến xe dài vừa qua. Cánh chị em phụ nữ đã chuẩn bị sẵn những bộ váy sắc màu đem từ dưới xuôi lên hoặc thuê ở cửa hàng xung quanh. Cánh máy râu thì chuẩn bị đủ bộ đồ nghề, máy ảnh để chị em có những shoot hình ấn tượng nhất. Tất cả đã sẵn sàng cho một buổi du ngoạn trong mây.

Nơi đây cho con người ta trở về với cái bình yên của tâm hồn, nơi mà sự bụi bặm và khói xe không làm ta “lao lực” mỗi ngày. Nhưng nó đẹp nhất là cho những cặp đôi, hay những nhóm bạn cạ cứng, dù còn trẻ hay đã “chín”,  nắm tay nhau tạm rời xa những bộn bề của cuộc sống, hòa mình với khung cảnh thiên nhiên, trong lành và yên bình đến lạ kỳ. Để rồi ai đó cũng mải mê rong chơi ở chốn cao nguyên, nơi những chú bò, chú ngựa “mặc kệ âu lo” nhởn nha gặm cỏ bên sườn núi. Họ chụp cả nghìn góc hình bên mỏm Cá Heo, nơi nhiều người có thể gọi là hàm Cá Mập, là Hàm Cá Sấu, là đủ thứ. Cây táo mèo cô đơn, vì một mình nằm giữa một mảnh đất rộng mênh mông, ở cách xa xa, chỉ có chiếc cây bầu bạn. Nhưng nỗi cô đơn dường như đã được khỏa lấp phần nào, vì có khách du lịch đến thăm mỗi ngày, chụp cùng những tấm hình lưu niệm. Sau nhiều đoạn đường đất gập ghềnh, những vị khách cũng thỏa lòng mong ước vì tìm thấy sống lưng của con khủng long khổng lồ đang nằm ngủ trong mây. Chú khủng long hiền hòa vẫn say mê ngủ, mặc cho những du khách thoải mái chụp hình cùng với những làn mây mờ ảo bao quanh. Trên đường đi, mỗi khi xe của du khách đi qua, những cái vẫy tay của các cô, cậu bé dân bản cũng làm cho tâm hồn chai sạn của người miền xuôi thấy phấn khích đến lạ thường.

Ngày trở về Hà Nội, nhiều người dường như vẫn tiếc nuối nơi đây, những ngày “bình yên tạm thời” đã chấm dứt. Họ sẽ nhớ những ngày rong ruổi trên những chiếc xe máy qua những con đường cua tay áo, khi mà sự lo nghĩ duy nhất chỉ dành cho câu hỏi “trưa nay ăn món gì?” . Nhớ nụ cười của người dân bản, nhớ cái vẫy tay lại của cô, cậu bé mỗi lần xe đi qua.

Ngày hôm sau, ta sẽ quay trở lại guồng làm việc hăng say, thư giãn như vậy là đủ rồi – Họ tự nhủ. 

– Về thôi, đừng lạc lối ở “Bhutan” !

Leave a Reply

Your email address will not be published.