Euro 2021 – Euro của những “đặc biệt”

Vậy là người dân Việt Nam lại vừa đi qua một mùa Euro với đầy những cung bậc cảm xúc, một mùa Euro thật đặc biệt với rất nhiều thứ. Và rất có thể những điều “đặc biệt” này sẽ là tiền đề cho các sự thay đổi ở những kỳ Euro sau. Tôi sẽ dành bài viết này để mở đầu cho chuyên mục mới của tôi, Bình luận Bóng đá, để viết về sự đặc biệt của Euro 2021 và những con người, những tập thể đã tạo nên sự đặc biệt ấy. 

Thời gian diễn ra

Cái đặc biệt đầu tiên phải kể đến là thời gian diễn ra của nó, hoàn toàn khác biệt, được tổ chức vào năm 2021, một năm lẻ, một điều chưa từng xảy ra ở những mùa Euro trước đây. Điều này phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã càn quét lục địa già và để lại những tổn thất không nhỏ cho người dân nơi đây, và cả thế giới nữa. Nhưng rồi, châu Âu đã vực dậy, tổ chức một kỳ Euro mà những người dân trên khắp thế giới đã đang ở nhà vì giãn cách xã hội đã quá mong mỏi, họ phải chờ qua một năm 2020, để những cảm xúc bóng đá lại được ùa về, hoặc đơn giản chỉ để nhìn thấy đội tuyển yêu thích của họ, mang trên mình màu cờ sắc áo, sải những bước chân mạnh mẽ trên sân cỏ, đem niềm tự hào về cho dân tộc. 

Nước chủ nhà

Euro năm nay diễn ra trên 11 thành phố của 11 quốc gia, và không có một nước chủ nhà cố định. Điều này có nghĩ là các trận bóng không tập trung tại một quốc gia, mà sẽ chia đều các trận đấu tại 11 quốc gia châu Âu. Việc này đưa đến một ưu điểm đó là hạn chế việc đi lại của các cổ động viên, đặc biệt có ích trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, nó cũng tạo tiền đề cho một thể thức phân chia bản quyền truyền hình mới, cũng như lợi ích, trong đó, ‘chiếc bánh quyền lợi’ sẽ được chia theo tỉ lệ được điều phối bởi UEFA cho các nước đồng đăng cai. 

Thể thức đấu loại

Lần đầu tiên trong lịch sử, UEFA đặt ra tiêu chí chọn thêm 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất vào vòng 16 đội. Điều này khiến cho giải đấu hấp dẫn hơn, trao thêm cơ hội cho những đội có thực lực nhưng không may rơi phải vào “bảng tử thần”. Điều này khiến cho giải đấu xuất hiện những trận cầu hấp dẫn khi mà những đội luôn được coi là “cửa dưới” lại có cơ hội trổ tài và loại những “ông lớn”, góp phần gia tăng sự kịch tính, vốn luôn là phần không thể thiếu trong thế giới bóng đá.  Thuỵ Sĩ, Bồ Đào nha, Ukraine, Cộng Hoà Séc chắc sẽ cảm ơn chủ tịch UEFA cho sự thay đổi này, nhưng có lẽ những người hâm mộ trung lập sẽ cảm ơn không chỉ những đội bóng này mà còn người đề ra thể thức này. Vì những đội bóng này đã đưa đến cho người hâm mộ những cảm xúc bóng đá tuyệt vời, khi mà trong bóng đá không có gì là không thể, cái sự nhiệt huyết, cái sự tự tôn dân tộc đôi khi lại thắng tất thảy những kỹ năng thượng thừa của các ngôi sao.

Sự nuối tiếc của các ông lớn

Điều này không xảy ra quá thường xuyên trong các kỳ bóng đá, các ông lớn như Đức, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, … vẫn reo rắc nỗi sợ hãi cho các đội bóng khác ở lục địa già. Nhưng ở kỳ Euro năm nay, đấy là một câu chuyện khác. Đức, Pháp chật vật bước vào vòng 16 đội, còn đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha phải ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ 3 ở bảng tử thần, để rồi vào vòng 16 đội nhờ thể thức đấu loại đặc biệt do UEFA đặt ra. Hà Lan dù đứng nhất bảng cũng ngậm ngùi bị loại sớm vì tuyển CH Séc quá kiên cường, cũng như những ngôi sao phạm những lỗi “nghiệp dư”. Nhưng có lẽ sẽ không nhiều người hiểu được sự tiếc nuối to lớn đến nhường nào của tuyển Bỉ và Anh. Thế hệ vàng của tuyển Bỉ đã được đánh giá là đội bóng số 1 thế giới theo bảng xếp hạng của FIFA, nhưng phải ngậm ngùi chờ mang chiếc cúp danh giá về nước vào một năm khác, khi mà phải chạm trán quá sớm đội tuyển Italia có cả kỹ thuật lẫn sức mạnh. Cả những cổ động viên của đội tuyển Anh đã chờ quá lâu, để thấy “It’s coming home” (tạm dịch là Bóng đá trở về nhà, vì nước Anh là quê hương của bóng đá). Rồi đến khi đến lượt Penalty cân não được diễn ra ngay trên sân nhà Wembley với hàng trăm nghìn khán giả nhà, chiếc cúp tưởng chừng cách tuyển Anh có gang tấc, lại vụt qua. Nhưng người ta nói “khổ tận mới được cam lai”, biết đâu tuyển Anh và tuyển Bỉ sẽ tìm được vinh quang, mà mình hằng mong đợi vào thời gian gần nhất.  

Những đội bóng gây nhiều cảm xúc

Những đội tuyển như Hungary, Thuỵ Sĩ, hay Đan Mạch tạo ra cho khán giả trung lập những cảm xúc mà vẫn hay tìm trong bóng đá. Có nhiều người sẽ rất nhớ những bước chạy của tuyển Hungary, những bước chân như muốn cày nát toàn bộ mặt cỏ trên sân. Những bước chân tấn công rực lửa và kiên cường, họ thi đấu sòng phẳng làm hai ông lớn Pháp, Đức phải e dè. Được dự đoán là đội ‘lót đường’ trong bảng tử thần gồm có Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, nhưng họ khiến các ông lớn phải soi lại chính mình, những người vẫn luôn ưỡn ngực vươn vai coi mình là đội bóng lớn. Dù vẫn đứng thứ 4 ở bảng đấu, nhưng Hungary vẫn khiến người ta phải nể phục bởi màn trình diễn máu lửa vừa qua. Tinh thần của người Thuỵ Sĩ chưa bao giờ được đánh giá thấp, được vào vé vớt ở vị trí “4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất”, nhưng việc chọn lối đá tấn công đẹp mắt, và rất hiệu quả, minh chứng bằng việc họ loại đội tuyển Pháp để bước chân vào vòng 8 đội mạnh nhất, cũng như cầm hoà tuyển Tây Ban Nha đến lượt đá luân lưu. Rồi đây những cầu thủ Thuỵ Sĩ sẽ được nhiều người biết tới hơn. Đội tuyển Đan Mạch không được đánh giá quá cao, khi bước vào Euro 2021, thậm chí họ còn phải thiếu “nhạc trưởng” của mình ngay từ vòng đấu đầu tiên. Nhưng Liên đoàn bóng đá Đan Mạch đã chứng minh họ không hề sai khi đã chọn HLV Kasper Hjulmand làm HLV trưởng của đội tuyển quốc gia. Ông đem đến cho đội bóng Bắc Âu luồng sinh khí mới, với phong cách bóng đá tấn công lôi cuốn, khiến cho những khán giả trung lập trở thành những cổ động viên của họ lúc nào không hay. Sau đây, Kasper Schmeichel sẽ có thể dõng dạc khẳng định tài năng của mình rằng anh đã vượt qua cái bóng quá lớn của người cha nổi tiếng Peter Schmeichel, và những cầu thủ trẻ như Dolberg, Dámgaard, Meahle sẽ vươn mình ra thế giới để thể hiện tài năng của mình.

Chiến thắng dành cho kẻ biết vươn lên

Sau những lần bị dè bỉu vì không được tham gia World Cup 2018, đội tuyển Ý dưới sự dẫn dắt của Roberto Mancini đã vươn lên từ vũng bùn, để rồi một lần nữa đăng quang tại đấu trường châu lục. Năm nay, Italia không có nhiều ngôi sao đắt giá trong đội hình như các đội tuyển khác. Nhưng lối chơi tấn công đặc sắc của Italia đã làm người ta phải nể phục tài thao lược của HLV Mancini. Ở tuyển Ý, khán giả không chỉ thấy có kỹ thuật, mà còn có cả sức trẻ, cùng lối chơi kỷ luật, điều mà ít ai thấy ở tuyển Italia. Nhưng lối đá tấn công của người Italia lại được xây dựng trên nền tảng bóng đá phòng ngự trứ danh và truyền thống của họ, một khi công tốt, thủ chắc thì đúng là Italia trở nên một đội bóng vừa đáng gờm mà lại vừa đáng xem ở Euro năm nay. Chúc mừng cho đội tuyển Italy, đúng như câu “có công mài sắt, có ngày nên kim”, một chiếc cúp xứng đáng cho người xứng đáng. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.