Say Anything (1989) – Khúc ca tuổi teen của người “trưởng thành”

*Bài đánh giá này có thể tiết lộ một phần nội dung phim.

Bộ phim Say Anything, sản xuất vào năm 1989, được trang Entertainment Weekly đánh giá là một trong những ‘bộ phim hiện đại lãng mạn nhất’, và được xếp thứ 11 trong danh sách 50 phim về thời học trò hay nhất mọi thời đại. Bộ phim như khúc ca về tình yêu tuổi teen, ngọt ngào và say đắm, gợi lại trong chúng ta những cảm xúc đẹp về một thời tuổi trẻ mà ai cũng đã từng trải qua.

Ưu điểm và hạn chế

Bộ phim còn có những hạn chế nhất định với một số người xem, nhưng lại là điểm cộng với nhiều người khác. Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là về chất phim. Bạn sẽ không thể tìm được một bộ phim có định dạng HD hay 4k vào thời điểm đó, vì chất lượng máy quay lúc bấy giờ không cho phép. Nên nếu bạn định tìm kiếm bản HD của bộ phim này thì hãy ngưng lại nhé. Tuy nhiên, điểm sáng của điều này chính là bạn có thể thấy được nhan sắc thật sự của diễn viên vào thời đó. Với những kỹ nghệ mới hiện nay, việc “cà mặt’’ cho mịn, hay việc dáng nuột nà hơn so với thực tế là chuyện rất thường tình. Còn trong bộ phim này, cách trang điểm của nhân vật rất mộc mạc, không bóng bẩy và màu mè nhưng vẫn hút hồn người xem. Phong cách ăn mặc của nhân vật cũng đậm chất thập niên 80-90. Nếu bạn ưa thích sự “chân chất” này, thì bạn sẽ phải thích mê nhan sắc của hai nhân vật chính, cũng như màu sắc của bộ phim.

Mô-típ

Mô-típ tình yêu trong phim chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí là khá quen thuộc với nhiều người. Nàng học giỏi và xinh đẹp, đúng chuẩn ‘con nhà người ta’, còn chàng không có gì nổi bật, nhưng chân thành và yêu nàng đắm say. Mở đầu phim là cuộc nói chuyện giữa Lloyd (John Cusack thủ vai) và hội “chị em bạn dì” về việc quyết tâm cưa đổ cô bạn Diane Court (Ione Skye thủ vai). Tuy nhiên, chàng trai nhận được lời khuyên “brain go with brain’’ (đại ý là khuyên anh nên bỏ cuộc, vì một người thông mình như Diane sẽ chỉ yêu những người thông minh giống như cô thôi) và anh sẽ chỉ “get hurt” (làm đau chính bản thân mình). Nhưng anh đã mạnh dạn trả lời “I wanna get hurt” (Tao muốn mình bị đau đấy). Anh gọi cho cô mỗi ngày, và cô nhận lời đến một bữa tiệc ăn mừng tốt nghiệp cùng anh với lý do rất giản đơn “anh ấy làm mình cười”. Cứ mộc mạc và chân thành, anh khiến cô “đổ gục” với những hành động giản đơn nhất, như kéo cô tránh khỏi mảnh thủy tinh vỡ trên đường, cùng với những ánh nhìn quan tâm luôn hướng về phía cô trong bữa tiệc. Sự hòa đồng của anh với mọi người, sư ân cần của anh lúc kèm cô lái xe, …. càng khiến cho Diane không thể quên anh. Dường như anh sinh ra để hiểu được nỗi lòng Diane, một cô gái thân thiện và xinh đẹp, nhưng lại không mấy ai dám “lại gần” vì cô “quá giỏi” – điều mà vô hình chung đã tạo nên cho mọi người tâm lý ‘nó giỏi thế thì làm gì có chuyện nó chơi với mình’. Thế mới thấy, đằng sau sự kính trọng và nể phục của bạn bè, có ai hiểu được rằng vây quanh Diane là sự cô đơn cố hữu của một kẻ luôn đứng ở top đầu. Lloyd đến để đưa cô trở về mặt đất, lại gần hơn với những người bạn mà trong suốt 3 năm trời đi học, họ chưa bao giờ dám nói chuyện với cô.

Những chi tiết đắt giá

Say Anything tổng hòa những chi tiết mà những người trưởng thành khi nhìn lại đều thấy một phần bản thân mình trong đó với những kỷ niệm đẹp của một thời “trẩu tre”. Phân cảnh tổ chức party ở nhà Vahlere khiến trong ta ùa về những ký ức một thời học sinh được “quậy” banh nóc, cảm giác vui sướng khi tốt nghiệp cấp 3 (với trời Âu thì tốt nghiệp cấp 3 đã là cái gì rất đáng để ăn mừng rồi). Biết đâu khi xem bộ phim, những gã quậy một thời sẽ thấy mình trong đó và cho con mình xem, để bảo rằng ‘bố/ mẹ cũng từng là một đứa như thế đấy’.

Hay phân cảnwh Lloyd cầm chiếc hộp boombox ở dưới nhà Diane sau khi cô nói lời chia tay. Anh cầm chiếc đài bật bài hát “In her eyes” khiến cho Diane trằn trọc không ngủ được bởi những kỷ niệm với anh. Bài hát như nói hộ tiếng lòng của Lloyd rằng anh bị ám ảnh bởi ánh mắt của cô, và chẳng thể quên được cô.

Ngoài ra, khác với những bộ phim tuổi teen, Say anything còn là cái nhìn khác về tình yêu thưở thiếu thời. Chúng ta có thể bắt gặp những khung cảnh quen thuộc của các cặp đôi ở lứa tuổi trưởng thành, như là phân cảnh Lloyd đến ăn tối ở nhà Diane, nơi ông đã mời một người bạn và hai người kế toán để đánh giá Lloyd như là “con rể tương lai” của ông. Hay phân cảnh ông bố phản đối về chuyện Lloyd đến với Diane vì ông nghĩ định hướng nghề nghiệp của cậu thật bấp bênh, nhưng lúc đó mới là cơ hội để Lloyd thể hiện nhiều hơn về bản thân. Anh không chỉ muốn chinh phục cô gái mà mình thích, anh còn muốn lo lắng, quan tâm cho cuộc sống của cô. Anh kiên trì thuyết phục bố Diane rằng anh sẽ đem lại cuộc sống tốt cho cô. Bộ phim là lời răn dạy về tình yêu, dù bạn ở độ tuổi nào, nhưng khi yêu nhau, nó không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, nó là sự thấu hiểu nhau, phấn đấu vì nhau, và làm cho con người ta trở nên tốt hơn, trưởng thành hơn. 

Ý nghĩa của bộ phim

Tựa phim Say Anything (Nói bất cứ gì đi) nói về 2 khía cạnh trong phim, đó là sự thành thật và sự hết lòng. Bố của Diane, người đã ăn chặn tiền trợ cấp của người già để bỏ vào túi riêng. Dù ông yêu thương cô hết mình, nhưng việc làm của ông đã khiến cô mất lòng tin ở ông. Ý nghĩa ở đây là bài học về sự thành thật. Nếu bố của Diane đã luôn sống thành thật, luôn “say anything”, thì ông sẽ không vướng vào vòng lao lý, và quan trọng hơn đó là có được lòng tin và sự tôn trọng của con gái mình. Dù cuối phim, cô vẫn luôn yêu quý ông, nhưng đó là bài học của các bậc làm cha làm mẹ. Hãy sống tốt, không chỉ vì họ, mà còn cho con cái của họ nữa.

“Say anything” ở đây còn là sự hết lòng của Lloyd. Anh sống hết mình vì bạn bè và người mình yêu, anh trân trọng và không ngừng theo đuổi Diane. Với anh không chỉ là ‘say anything’ mà còn là ‘do anything’. Một bộ phim về tuổi teen nhưng chứa đựng những tư duy của người trưởng thành, khiến người xem tự suy ngẫm về chính mình rằng mình đã thực sự hết lòng vì yêu. Tình yêu luôn đi kèm với trách nhiệm, chúng ta dễ dàng nói yêu nhưng chúng ta đã đủ lớn để chứng minh tình yêu đó là chín chắn và xứng đáng với tình cảm mà người kia dành cho mình hay chưa. Bộ phim gửi gắm thông điệp giản dị nhưng vô cùng sâu sắc: hãy cứ sống và theo đuổi đam mê, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, phấn đấu cùng nhau để ngày mai chẳng hề nuối tiếc.

Lời kết

Nếu bạn ưa thích những kiểu phim tình cảm cuồng nhiệt nơi mà nhân vật chính phải “chết đi sống lại” vì yêu, thì hẳn Say Anything sẽ không phù hợp với bạn. Bộ phim như khúc ca về tình yêu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, nơi gửi gắm những thông điệp tình yêu thời son trẻ nhưng chín chắn và trách nhiệm, nơi cánh cửa của cảm xúc mở toang cho những ký ức về một thời thanh niên nhiệt huyết, sống hết mình và yêu cũng thật đắm say. Đã qua 32 năm kể từ ngày bộ phim được ra mắt, nhưng những triết lý nhân sinh quan của nó thì chưa bao giờ lỗi thời. Hãy cứ sống và yêu, nhưng phải là một tình yêu chín chắn, biết quan tâm và sẻ chia với người mình yêu. Hãy cứ say anything đi, để chẳng bao giờ phải nuối tiếc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.