Zack Snyder’ s Justice League 2021 – 4 tiếng đáng hay là không ? (Phần 1)

Lời nói đầu

Trước tiên, xin cám ơn các bạn đã đón đọc bài review này, thực sự đã lâu rồi, tôi chưa review một bộ phim nào cụ thể, hoặc nếu có cũng chỉ góp ý, xây dựng nội dung cho các bài review. Nên bài review này có thể được coi là một bài viết độc lập của tôi, dựa trên những hiểu biết và cảm nhận của tôi dưới góc nhìn của một khán giả cũng như là một fan của DCU. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn để tôi có thể thực hiện những bài đánh giá sau này với chất lượng cao hơn, thực sự giúp cho khán giả quyết định liệu có nên bỏ thời gian để xem bộ phim không (dĩ nhiên nếu bạn rảnh thì vẫn nên xem). Và vẫn là khuyến cáo quen thuộc, bài viết này có thể tiết lộ một phần nội dung phim.

1. Cảm nhận chung:

Đầu tiên, thú thật tôi đã khá ngần ngại khi biết bộ phim kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Nhưng sau 2 ngày ngâm cứu bộ phim này (phải chia ra mỗi tối xem một phần, chứ không đủ thời gian để xem liên tục trong 4 tiếng). Nhưng bộ phim này khiến tôi không phải thất vọng vì sự liền mạch trong kết cấu nội dung, cũng như sự chi tiết trong việc giải thích tâm lý nhân vật. Khác với các siêu anh hùng của Marvel, siêu anh hùng của DC có nội tâm phức tạp hơn nhiều, họ phải đấu tranh tâm lý, chiến đấu với những con người bên trong họ. Nếu họ không thể giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, xã hội (như Flash luôn ám ảnh về hoàn cảnh gia đình, còn bản thân Cyborg tuy mang năng lực đặc biệt nhưng luôn tự ti về bản thân) thì làm sao có thể cứu thế giới. Điều này khiến cho các siêu anh hùng của DC trở nên “người” hơn, và trở nên hấp dẫn với fan của DC. Để làm tốt điều này, đạo diễn kể từ bộ phim Batman vs Superman: Dawn of Justice đã thuê hẳn chuyên gia tâm lý riêng để trợ giúp các diễn viên trong việc thể hiện nhân vật.

Trong bài viết này, với tôi, mức độ thành công của bộ phim chính là mức độ hiện thực hóa nhân vật truyện tranh thành phiên bản người đóng. Nhìn chung, với lối diễn xuất giàu kinh nghiệm của dàn diễn viên, nhân vật trong phim đã thực sự lột tả được cái hồn của nhân vật, dù phục trang của một số nhân vật có thể sẽ khiến người xem hụt hẫng với những người say mê bản sao phục trang trong hoạt hình. Sau đây, chúng ta sẽ cùng đi chi tiết hơn về bộ phim.

2. Thời lượng phim:

Ấn tượng ban đầu của tôi là tôi sẽ không dành thời gian của mình cho một bộ phim kéo dài đến gần 4 giờ đồng hồ đâu. Theo tôi một bộ phim điện ảnh tiêu chuẩn chỉ nên kéo dài trong khoảng trên dưới 200 phút, nếu nhiều hơn ngưỡng này thì khán giả sẽ thật sự khó tập trung vào nội dung của phim vì quá lan man. Nếu bạn từng dành 3 tiếng để xem phim ở ngoài rạp thì bạn sẽ hiểu bộ phim này sẽ chẳng hề phù hợp để chiếu rạp, trừ khi phải chia thành 2 phần để giữ cho mạch cảm xúc của khán giả không bị gián đoạn, cũng như để kiếm thêm doanh thu từ phòng vé. Điều này đã từng áp dụng với 2 bộ phim khá nổi tiếng là Harry Potter and The Deathly Hallows và Hunger Games: Mockingjays. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là khi ra phần 2 rồi thì phần 1 còn rất ít sự quan tâm từ phía khán giả, mà phần 1 chủ yếu được sử dụng để tham chiếu cho nội dung ở phần 2 thôi, chứ có lẽ chả ai xem nữa, nghe có vẻ khá lãng phí. Vậy nên, phim được chiếu online có thể là một chiến lược hợp lý để chiều lòng fan của nhà DC. Nó sẽ không làm đứt mạch cảm xúc của người xem. Và đặc biệt hơn, nó hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Có lẽ, thông điệp khác của bộ phim là bạn hãy ngồi nhà xem phim chứ đừng ra rạp mà xem phim của chúng tôi nhé!  

3. Chất phim:

Không thể không nhắc tới đặc sản của Zack Snyder đó là rất ‘’dark’’ (chất màu tăm tối). Và bộ phim Justice League cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt với tính chất của các siêu anh hùng DC là quá nghiêm túc, thường thiên về việc quả cảm, liều lĩnh và dùng trí não nhiều hơn. Điều này khiến họ khác biệt với các anh hùng của Marvel, những người tập trung phô diễn sức mạnh và thường đan xen các phân cảnh hài hước để bộ phim vừa vui, vừa bắt mắt, mà người xem cũng đỡ phải động não nhiều. Có đôi khi những siêu anh hùng DC khiến chúng ta phải suy ngẫm về đời, về câu hỏi khiến người ta luôn trăn trở ‘ta có nên là chính ta hay không ?’. Tất cả những điều này khiến phiên bản của Zack trở nên hơi quá nghiêm túc, thiếu tính hài hước, nên khá kén với khán giả phổ thông. Nhưng với fan lâu năm của nhà DC thì phim của DC nó phải thế. Cái chất “dark” của đạo diễn thậm chí còn hiện hữu trên nền màu của bộ phim, khiến cho phim khá tối màu. Nếu để đèn quá sáng, bạn sẽ chẳng thể xem được bộ phim này. Có anh bạn đã khuyên tôi nếu muốn xem phim của Zack Snyder thì tắt hết đèn đi, và để max độ sáng màn hình lên, và nó thực sự hữu dụng. Thế là các bạn đã hiểu nó tối đến mức nào rồi phải không ? Nhất là đối với những người quen xem phim của Marvel. Rồi đến cả chi tiết trang phục của Superman cũng được làm thành màu đen trắng, ngoài ngụ ý về một Superman mới được tái sinh, nó cũng thể hiện chất “dark” của bộ phim này. Bên cạnh đó, những trang phục được coi là “sáng màu” trong phim như của Wonder Woman và Flash giờ đây cũng là màu tối nốt. Vậy nên khi dàn siêu anh hùng đứng cạnh nhau, chúng ta nhận ra team này thật sự rất ưa màu tối =)) (còn các anh chị có tâm hồn đen tối hay không thì mình không biết :v). Zack hiểu điều này, nhưng dường như ông đã bị nhiễm “dark” quá nặng, nên tất cả các bộ phim mà ông đạo diễn đều có “gia vị cây nhà lá vườn’’ trên. Cảm nghĩ chung của tôi là nếu bộ phim này được làm với màu sắc tươi sáng hơn một chút mà vẫn giữ được chất “serious” của nhân vật thì sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Let the lighting team work, Zack.

4. Về nội dung:

Sự trở lại của ZS đã đem lại sự liền mạch trong kết cấu phim, điều mà trước đây từng bị chê bai quá nhiều trong phiên bản của Joss Whedon. Điều này thì cũng dễ hiểu cho Joss vì ông được nhận một bộ phim đang dang dở, với nhiệm vụ biến bộ phim thành một bộ phim liền mạch với thời lượng chỉ hơn 2 tiếng. Nhưng với ZS, ông làm từ phần đầu đến phần cuối của phim, khiến cho phim liền mạch hơn. Ngoài ra, tôi thật sự thích sự chi tiết trong nội dung phim, cùng kết cấu phim liền mạch đã giúp cho diễn biến tâm lý nhân vật không bị gượng ép, làm cho khán giả thấy được sự hợp lý của việc tại sao các siêu anh hùng gia nhập Justice League. Điều này đã giải tỏa phần nào khúc mắc của người xem với phiên bản 2017 của Joss Whedon. Nhiều phân cảnh đến một cách khó hiểu, và các siêu anh hùng cứ tham gia đội Justice League mà không có một động cơ, lý do hợp lý. Phiên bản lần này thể hiện chất “người’’ hơn bên trong các siêu anh hùng. Ngoài ‘nghề tay trái’ (vì ngoài đời họ cũng có những công việc mưu sinh như bao người khác) là làm siêu anh hùng đi cứu thế giới, họ cũng có những khúc mắc tình cảm, những hỉ nộ ái ố, những sự hi sinh thầm lặng mà họ chẳng biết bày tỏ cùng ai. Và việc thể hiện được chất con người đó cũng khiến cho động cơ của những siêu anh hùng tham gia biệt đội Công Lý trở nên logic hơn: trước là vì gia đình, người thân, sau là vì thế giới. Chính vì vậy, họ mới nhận ra được với khả năng của mình, họ cần phải cứu thế giới (save the world). Một điểm nữa cũng cần nói thêm đó là đất diễn của các nhân vật khá đều. Họ đều có những phân cảnh riêng, cũng như không có sự xung khắc rõ rệt về kỹ năng (bị chồng chéo các kỹ năng giống nhau giữa các lớp nhân vật) biến bộ phim thành một nồi tạp pí lù mà khán giả xem xong lại chả có ấn tượng gì. Một bộ phim điển hình cho việc sa lầy vào quá nhiều tuyến nhân vật là “Avenger: End Game” khi đưa hầu như toàn bộ các siêu anh hùng của nhà Marvel vào một bộ phim. Xem thì thực sự đã mắt, nhưng nội dung thì quá nhảm nhí, đơn giản chỉ là gọi tất cả siêu anh hùng vào, và đánh hội đồng Thanos cùng mấy đứa quân tùy tùng. Trong một bộ phim, cái chất phải được ưu tiên hàng đầu, rồi mới đến lượng. Sự xuất hiện của số lượng vừa đủ siêu anh hùng khiến cho bản Justice League tôn vinh được tất cả các lớp nhân vật và thời lượng thể hiện của từng người cũng đầy đủ hơn. Khi bản Justice League 2017 ra mắt, nhiều người đã phàn nàn về việc phim giống như Wonder Woman 2 vì Wonder Woman, Superman được tung hô rất nhiều, kể cả Batman người được coi là bộ não, kiêm ‘nhà tài trợ vàng’ của Justice League cũng rất mờ nhạt, Flash với Cyborg thì khỏi nói. Nhưng thật mừng vì ở phiên bản này, Flash và Cyborg đã có cơ hội thể hiện những tuyệt chiêu của họ thay vì làm thằng lông nhông, các anh chị chỉ đâu em đánh đấy. Zack cũng mang về phân cảnh trận chiến giữa 2 bên, một bên là liên minh con người, Atlantis, Amazon với sự trợ giúp của các vị thần Hy lạp, bên kia là Darkside cùng quân đội của hắn. Phân đoạn này thực sự đã mắt, điều mà đã bị lược bỏ gần hết trong bản phim của Joss Wheldon. Ngoài ra, việc cài cắm thêm chi tiết về Martian Manhunter là khá hay, vì đây cũng là môt nhân vật gạo cội của nhóm Justice League. Chắc chắn khán giả sẽ muốn ra rạp để xem phần 2 khi nhóm có thêm nhân vật này.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published.