Như đã hẹn, phần 2 xin được tiếp tục…
***
Một cơ số người bị mắc chứng mất trí nhớ tạm thời. Điều này tôi đã gặp nhiều lần, ở rất nhiều nơi, đủ mọi hoàn cảnh. Không biết do người Việt quá thiếu ngủ, hay áp lực công việc quá căng thẳng, họ luôn quên mất thông tin cá nhân về bản thân mình. Dù ở siêu thị, công viên, hay đồn cảnh sát, tôi vẫn thường hay bắt gặp những người cứ hỏi đi hỏi lại người đối diện có biết họ là ai không. Nhiều khi người khác không hiểu câu nói của họ, họ trở nên cáu giận và quát tháo, nói to thẳng vào mặt người đó chỉ để hỏi họ là ai. Điều đấy cũng dễ hiểu thôi, nếu lang thang trên đường mà không biết mình là ai, mà hỏi ai cũng không biết thì chắc tôi cũng giận bản thân mình lắm.
Người Việt cũng rất nhanh tay và nhanh mắt. Một hôm trên đường về nhà, tôi thấy một chiếc xe tải chở rất nhiều thùng bia. Do phanh gấp và cửa xe không đóng kín, nên bao nhiêu thùng bia rơi xuống đất cả, các lon bia rơi ra đất, bọt bắn tứ tung trắng xoá cả đường. Rồi bỗng nhiên, từ đâu rất nhiều người dân chạy ra lượm hộ bác tài xế những lon bia. Nhưng chắc do không có chỗ để, bác tài đã xua tay liên tục và hò hét cái gì đó (chắc là nói cảm ơn), thế là người dân mang rất nhiều túi ra để đựng, rồi cầm đi mất. Tôi đoán chắc họ đem về kho hộ bác tài xế. Điều này không thường xảy ra ở đất nước tôi, mỗi khi có sự việc như vậy, tài xế thường gọi thêm xe và nhân viên tới hỗ trợ mình, nhưng việc này khá tốn thời gian và lại còn gây ùn tắc giao thông do xe phải đỗ đó quá lâu. Nhưng ở Việt Nam, chỉ trong có mấy phút, toàn bộ lon bia đã được người dân lượm và vận chuyển đi hết, bác tài chỉ việc lái xe không đi về. Đúng là mô hình này ở Việt Nam thật đáng để học tập.
Người Việt rất biết lắng nghe ‘tiếng gọi của thiên nhiên’. Ở Việt Nam, nhà vệ sinh công cộng không có nhiều. Điều này khiến một cơ số người phải “đi theo tiếng gọi tự nhiên” ở ngoài đường. Trên đường phố, nếu gặp một ai đó đang cúi mặt như hối lỗi ăn năn trước một bức tường, thì không phải họ đang phạm một sai lầm gì đó để cần ăn năn đâu, mà họ đang đi vệ sinh đấy. Cũng phải thông cảm cho họ, ‘tiếng gọi của tự nhiên’ thì không thể nào chối từ được.
Một bộ phận người dân thường mắc chứng khúc xạ ánh sáng. Họ thường nhìn về một phía, nhưng làm theo hướng ngược lại. Ví dụ như khi lái xe, họ thường nhìn về một hướng, nhưng lại rẽ theo hướng còn lại. Trong các bữa cơm, họ luôn nói là ăn rau, nhưng tay lại gắp nhầm thịt vào bát. Chưa kể chứng cầm nhầm đồ của người khác cũng phổ biến trong một bộ phận dân chúng. Như hôm vừa rồi, khi tôi đang về nhà, tôi bắt gặp hai thanh niên nọ rơi bình đựng nước xuống đất, một phụ nữ trung niên đã xuống xe và nhặt lên. Những tưởng bà ấy sẽ trả lại hai thanh niên kia, nhưng hoá ra bà lại cầm đi, và nghiễm nhiên trở về xe của mình. Hai thanh niên kia đã gọi bà ta lại để xin lại để xin lại cái bình, nhưng bà ta nhất quyết không đưa lại, và nói gì đó rất nhiều. Khi Tate giải thích cho tôi, tôi mới hiểu rằng hoá ra bà ấy tưởng đấy là của bà, nên khăng khăng nhất quyết không chịu trả, mặc dù người dân xung quanh đều khẳng định chiếc bình của hai thanh niên kia. Kết quả là bà ấy cũng phải trả lại cái bình cho chủ thật sự của nó, nhưng mặt bà ấy tỏ rõ sự không vui như vừa bị mất đồ vậy, chứng tỏ chứng khúc xạ của bà ấy là không hề nhẹ. Điển hình nhất của chứng này đó là việc vứt rác ở nơi công cộng. Một số người dân chẳng mấy khi vứt rác trúng thùng rác, mặc dù tôi thấy họ ngắm rất kỹ, để vứt cho chuẩn, nhưng kết quả là rác vẫn vứt đầy bên cạnh thùng rác, trong khi bên trong thùng rác thì vẫn còn trống nguyên. Quá lo ngại về việc những người dân này không chịu đi khám, thậm chí chính quyền và các tổ chức phi lợi nhuận còn phải tổ chức cuộc thi ‘ném rác trúng thùng rác’, để khuyến khích người dân chữa chứng khúc xạ về mắt. Sau đó đúng là đường phố trở nên xanh, sạch, đẹp hẳn.
Con người ở đây hiếu kỳ một cách kỳ lạ. Họ thích dành hàng giờ để quan sát, phân tích những vụ tai nạn trên đường, tranh luận giữa phố (cãi cọ ngoài đường), hay giao lưu võ nghệ đường phố (ẩu đả trên phố). Tôi từng thấy có những xe cứu thương đã mất nhiều thời gian để tách đám đông để kịp vận chuyển người bệnh lên xe cứu thương, người dân họ cứ đứng đó và không làm gì cả, không gọi xe cứu thương, không đưa bệnh nhân đi bệnh viện, họ chỉ xem thôi. Với những cuộc tranh luận giữa phố, hay giao lưu võ nghệ đường phố, họ có thể dừng giữa đường phố ngập xe để chiêm ngưỡng những màn giao lưu này, nhiều người còn muốn lưu lại khoảnh khắc này bằng cách livestream trên facebook hay quay lại trọn bộ clip để đăng lên youtube. Nhưng may thay, vẫn còn một cơ số người sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, can thiệp vào các cuộc tranh luận và những cuộc giao lưu võ nghệ nảy lửa như võ đài UFC kia.
Các chủ quán người Việt thường rất đa nhiệm (multi-tasking). Có thể thấy ở các chủ quán ở các nước châu Âu, họ thường chỉ làm việc điều phối và sắp xếp để cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ, chứ họ thường không bắt tay vào làm. Nhưng người châu Á nói chung và người Việt nói riêng thường có khả năng làm nhiều việc một lúc rất tốt. Họ có thể vừa điều phối, sắp xếp, vừa thực hiện các công việc như chế biến, bưng bê, lau bàn..v.v. Thậm chí là còn rất nhanh nhẹn là đằng khác. Ngoài ra, họ còn khả năng biểu diễn văn nghệ trong lúc phục vụ khách hàng, nghe rất vui tai nữa. Có một hôm, tôi được Tate dẫn đi ăn ở quán “Bún Chửi”, anh ấy cam đoan với tôi rằng tôi không chỉ được thưởng thức món ăn ngon, mới lạ mà còn có được những trải nghiệm thú vị. Vào quán, bà chủ quán tay chế biến liên hồi, những suất ăn được phục vụ rất nhanh, nhưng điểm thú vị ở đây là bà ấy nói liên hồi, tuy tôi nghe không hiểu, nhưng tôi biết bà dùng từ rất có vần, nhịp điệu khi trầm khi bổng, và rất nhiều câu, từ được luyến láy và nhấn mạnh nhiều lần trong bài. Và bà ấy đã biểu diễn như vậy không biết mệt mỏi trong hàng giờ liền. Quả là con người hết mình.
Đất nước này quả là kỳ thú đối với tôi, tôi đã gặp những câu chuyện thú vị, mà có lẽ ở đất nước tôi, tôi chả bao giờ có thể biết được. Tôi sẽ dành kì nghỉ tới đây của mình để đến đất nước này, mà có quá nhiều điều kỳ thú mà phải rất nhiều thời gian nữa tôi mới có thể hiểu thêm về văn hoá và con người nơi đây.
***
- Két két..
Bỗng nhiên, một tiếng mở cửa vang lên khiến Lim giật mình, Lim vội vàng gấp vội cuốn sổ, những nụ cười gượng ép của Lim cứ như đang tố cáo anh ta, nhưng may mắn thay James vội vã cầm cuốn sổ đi nhanh, kèm theo một câu ‘pardon me’ nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ khiến Lim đỏ mặt tía tai. Nhiều người sẽ nói Lim đã làm sai. Nhưng khi tính tò mò trỗi dậy, thì “sự riêng tư” là khái niệm rất mơ hồ thôi. Bọn bạn cùng lớp tôi vẫn hay đọc trộm nhật ký nhau của nhau. Rồi đủ chyện bí mật của người này bị phanh phui với người kia. Thậm chí có khi ở nhà, hình ảnh của họ từ camera nhà riêng cũng đang được phát tán trên mạng. Khi đã quen với một xã hội như vậy, thì việc đọc trộm nhật ký có gì là sai.
Hết
Các bạn có thể tìm đọc phần 1 tại đây:
One Reply to “Truyện ngắn: Nhật ký của Tây – Phần 2”