Một buổi tối Chủ Nhật trên bờ Hồ, vẫn đông đúc, ồn ào và náo nhiệt. Tôi ít khi lên bờ Hồ, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lên với bạn bè để tìm chút ồn ào, náo nhiệt cho tâm hồn đang cằn cỗi vì công việc. Nhứng ánh đèn sáng từ những ki-ốt hội chợ bán hàng tiêu dùng trên bờ Hồ làm cho con đường sáng hẳn lên. Dòng người đông đúc, chen nhau đi trên vỉa hè và lòng đường trên con phố đi bộ dài gần 2km. Những tiếng ồn ào từ những chiếc loa di động xen lẫn tiếng reo hò của đám thanh niên đang mải ngắm dàn nam thanh nữ tú thực hiện những vũ đạo điêu luyện ngay giữa lòng đường . Bên trên vỉa hè, những quán trà chanh di động với đầy người ngồi la liệt, những quán kẹo kéo, bò bía, bánh tráng trộn đang thi nhau mời gọi khách đi đường vào mua món đồ ăn vặt cho mình. Đâu đó trong tiếng âm thanh náo nhiệt, là tiếng kéo đàn du dương của nghệ sĩ violon đường phố, những tiếng đàn nhị đậm chất đồng quê vang lên từ cây đàn của người nghệ sĩ già. Một lúc lại có người đang tập thể dục chạy lách qua dòng người ken đặc, tạo nên những gió vút vút bên tai.
Hoạt động chợ đêm vẫn đông đúc trong thường ngày với đủ loại vật dụng từ thô sơ, đến hiện đại, những tiếng léo nhéo của người bán hàng kết hợp cùng tiếng mặc cả của người mua hàng, tạo nên những âm thanh nhộn nhịp đủ sức làm quyến rũ những người khách du lịch ưa sự sầm uất. Nhưng lẫn trong khung cảnh quen thuộc của chợ đêm Hà Nội, là hình ảnh của một người đàn ông trung tuổi ngồi trên thềm cửa của nhà dân bên đường, trên tay là những cuốn sổ bìa dày, dán đầy những con tem. Ông bán những bộ sưu tập tem của mình. Người đàn ông tầm 55 tuổi, trong bộ quần áo hơi ngả màu, chiếc quần tây màu xám bạc màu với chiếc áo sơ kẻ cộc tay cắm thùng như để tô điểm thêm vẻ cũ kỹ của những con tem trong cuốn tập của ông. Với mỗi người đi qua, ông lại mở ra cho họ xem những con tem được dán cẩn thận bằng băng dính trắng, những con tem đã hơi nhuốm màu của thời gian. Một bộ sưu tập tem có vẻ như không có nhiều giá trị với người đi đường, để họ phải bỏ tiền để mua những con tem cũ kỹ mà chẳng biết để làm gì. Ngày nay, có lẽ thế hệ trẻ cũng đã không còn nhiều người biết về con tem, một loại công cụ để giúp phân loại thư và nó là yêu cầu tiên quyết để cho một lá thư, một bưu phẩm được gửi đi. Sự bùng nổ của công nghệ internet, việc gửi e-mail giờ dễ dàng hơn nhiều việc viết một lá thư tay rồi chạy qua bưu điện để dán tem và vứt vào hòm thư để chuẩn bị gửi đi. Mà đôi khi không hiểu vì lý do nào đó, vẫn có tỉ lệ nhất định thư bị thất lạc, khiến cho nhiều người ngao ngán, khi mà những lá thư của họ, những tài liệu quan trọng lại chẳng bao giờ được gửi đến nơi. Giờ việc gửi bưu tín vẫn còn phổ biến, vì có những thứ e-mail chẳng thể làm được, nhưng giá trị của một con tem cũng ít đi nhiều. Các học sinh hiện nay, có lẽ chỉ được biết về từ ‘con tem’ qua quyển SGK Tập Đọc của lớp 1. Những đã là bộ sưu tập thì đều rât quý, dù cho chúng có là bộ sưu tập gì. Nó chứa đựng sự mày mò nghiên cứu của người sưu tầm, những thứ mà chẳng có giá trị vật chất nào có thể đong đếm được. Những con tem cổ cũ kỹ là mình chứng hào hứng của một ngành bưu chính, khắc họa những mốc son, những kỉ niệm lịch sử của một dân tộc. Nhưng bộ sưu tập tem chỉ có giá trị khi mà người xem thấu hiểu cái giá trị của cái hồn trong đó là những con tem. Không hiểu vì lý do gì, ông lại bán đi bộ sưu tập mà ông đã dày công sưu tầm ở một nơi như thế, bên thềm cửa của một chợ đêm, chắc hẳn vì lý do kinh tế. Nghĩ đến đây lòng tôi bỗng dưng thắt lại, làm sao người đàn ông ấy phải bán đi bộ sưu tập trân quý của mình đến như vậy. Dòng người lặng lẽ đi qua, trong đấy có cả tôi, mà chẳng đoái hoài đến bộ sưu tập của ông, vì chẳng ai trong chúng tôi hiểu được giá trị của nó. Người hiểu đó được giá trị của nó nhất lại chính là người đang bán nó.
Trong khi người người nhà nhà đang hướng về miền Trung ruột thịt, những nhà hảo tâm và những con người bình thường như tôi đang nỗ lực quyên góp để cho người dân trong đấy có cuộc sống bớt khổ. Nhìn cảnh những con người ngồi trên mái nhà sau những cơn mưa lớn, đồ đạc thiếu thốn trăm bề, tôi lại càng thêm xót xa. Nhưng trong phút chốc, hình ảnh về người đàn ông bán bộ sưu tập tem lại cắt đứt mạch suy nghĩa của tôi. Tôi cũng thương cảm cho những số phận cần giúp đỡ ở ngay gần chúng ta, và cả những giá trị xưa cũ mà ngày nay người ta chẳng còn mấy quan tâm. Khi tôi quay lại, người đàn ông đó có lẽ đã về. Không biết hôm nay ông ấy có bán được bộ nào không, nhưng ít nhất ông ấy cũng có được một sự thành công. Đó là khiến tôi phải tạm thời gác cơn buồn ngủ lại để viết về ông và những con tem xưa.