Câu chuyện về nhẫn cưới

Ngày bạn đeo chiếc nhẫn cưới trên tay, bạn nhận ra mình đã ở một vai trò mà bạn sẽ không chỉ quan tâm bản thân mình, mà còn cả người cùng bạn hẹn thề sánh bước trên con đường hôn nhân.

Chiếc nhẫn cưới là một vòng tròn khép kín, được làm bằng loại kim loại quý hiếm và được làm thành một cặp cho hai người tiến tới hôn nhân; một miêu tả thú vị về nhẫn cưới mà người ta hay nói đã nói lên mọi điều về nó. Nó tượng trưng cho vẹn tròn hạnh phúc của hai con người giữa trái đất tròn đã tìm thấy nhau và đến bên nhau.

Mục đích của chiếc nhẫn cưới thì ai cũng biết, đeo nó lên ngón tay áp út đồng nghĩa với việc bạn thông báo cho toàn thể mọi người rằng bạn đã có gia đình, bạn đã thuộc về một ai đó, là thành viên của một gia đình mà có thể bạn chưa từng lớn lên cùng người ấy, nhưng bạn và người ấy và cả “sản phẩm” của cả hai sẽ cùng bạn trưởng thành và già đi cùng nhau. Nó cũng thông báo một tin nóng, bạn đã bị “đánh dấu chủ quyền”, sẽ không thể sẵn sàng cho bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào nữa, bạn sẽ bị “trói” bởi một người mà bạn cam tâm để họ trói bạn đến hết cả cuộc đời.

Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ nói chuyện về một ý nghĩa khác của chiếc nhẫn cưới, một ý nghĩa mà chúng ta không nhận ra mỗi ngày, nhưng qua năm tháng, chúng ta đã thấm nhuần cái ý nghĩa đó lúc nào không hay.

Ban đầu, chiếc nhẫn cưới được sinh ra để làm nhẫn đôi cho một cặp nam nữ yêu nhau. Đặc điểm của chiếc nhẫn cưới đó là nhẫn nam và nhẫn nữ luôn có điểm tương đồng nhau, khiến ai nhìn vào cũng nghĩ họ là một cặp, nhưng nó lại có nét riêng biệt, dấu ấn riêng của hai người để phân biệt với nhẫn của những cặp đôi khác. Ngày đặt nhẫn là lúc hai người phải trổ hết sự sáng tạo của bản thân để có một mẫu nhẫn độc đáo, không lẫn với bất kỳ ai. Và từ cái ngày đó, chúng ta đã học được bài học đầu tiên trong hôn nhân, đó là sự cân bằng trong gia đình. Điều này chỉ có thể đạt được khi hai người cũng đồng nhất về ý kiến và quan điểm, chí hướng trong tương lai. Dù là người nam hay người nữ, thì cũng phải dần loại bỏ cái tôi của mình, biết lắng nghe, chia sẻ và trung hòa được ý kiến của cả hai.

Ta cũng nên nhớ rằng hai người sinh ra từ hai gia đình, hoàn cảnh khác nhau, tiếp thu những văn hóa, tư tưởng và khác nhau, nên không thể tránh khỏi được bất đồng quan điểm, nhưng đến với nhau là vì một chữ duyên-nợ, nên trung hòa được hai quan điểm khác nhau và thậm chí trái ngược nhau dần trở một kỹ năng không thể thiếu trong hôn nhân từ ngàn xưa. Và bài học về sự cân bằng trong gia đình, bắt đầu từ một thứ rất nhỏ, đó là chọn nhẫn cưới, một mẫu nhẫn có thể quyết định được hay không là do sự biết lắng nghe từ nửa kia của mình, hay nói cách khác, do sự đồng điệu trong tâm hồn của hai người.

Với những người không ưa sự gò bó, hoặc chưa bao giờ đeo trang sức, một cái gì đó cuốn vào ngón tay thôi, dù không thật chặt, cũng làm họ “thấy không quen”. “Thấy không quen” cũng là một cách nói giảm nói tránh cho việc “gò bó”, “chật chội” hay “vướng víu”. Với người ưa vận động mạnh, thích thể thao, họ hiểu hơn ai hết sự “gò bó” này khi các mạch máu căng ra mỗi khi hoạt động, và chiếc “vòng kim cô” đó cứ xiết chặt vào tay, đau đấy nhưng muốn rút ra cũng không rút được. Nhưng hôn nhân vốn là như vậy, ngày bạn đeo chiếc nhẫn lên ngón tay mình là bạn đã học được bài học tiếp theo về hôn nhân. Chúng ta trước nay chỉ quan tâm đến bản thân mình, nghĩ cho bản thân mình. Giờ đây chiếc nhẫn cưới nhắc nhở ta rằng giờ ta không còn một mình nữa, có một người đã chấp nhận gắn kết cuộc đời với ta, và mỗi khi ta làm việc gì đó nông nổi, hãy nghĩ đến con người ấy, dù muốn hay không, mọi quyết định của ta đều ảnh hưởng đến người đó, dù là tích cực hay tiêu cực.

Có một ngày, bạn có thể bắt đầu giở thói ích kỷ ra, bạn bắt đầu nghĩ tại sao ta phải đeo một thứ vốn không quen với bản thân mình, và phải làm quen với nó. Nhưng hãy nghĩ đến nửa kia của mình. Họ cũng đeo một thứ tương tự. Họ cũng thay đổi những thói quen cố hữu của họ vì ta. Và trên hết, họ cũng bắt đầu sống không chỉ cho riêng mình họ, mà còn cho bạn và những người xung quanh bạn. Bỏ chiếc nhẫn ra thì dễ, nhưng quên sao được một tấm chân tình mà người đó đã dành cho bạn, công sức hai người đã gầy dựng cùng nhau, thậm chí những ngày tháng mà hai người đã vượt qua bao thử thách, chông gai để đến được với nhau. Chiếc nhẫn còn hơn cả một thứ để “đánh dấu chủ quyền” mà còn nhắc con người ta về tấm chân tình giữa hai người yêu nhau, về đạo vợ chồng.

Và mỗi lần bạn làm việc gì đó, bạn có thấy chiếc nhẫn trên tay của bạn không, người kia cũng vậy, bạn sẽ nhận ra mình may mắn đến thế nào, trong trái đất rộng lớn này, có một người dám hi sinh tự do của bản thân để đến với bạn, bỏ những thói quen cố hữu để ở bên bạn và cùng bạn xây đắp cuộc sống hôn nhân.

Leave a Reply

Your email address will not be published.