Trong muôn vàn người lạ đi qua ta mỗi ngày, ai chúng ta sẽ dừng lại và say Hi ?
Trong đoạn phim ngắn The lift của Bianco, dài chưa đến 5 phút, nhưng có lẽ nhiều người sẽ tìm thấy mình trong đó. Nội dung chỉ xoay quanh một chàng trai và cô gái gặp nhau mỗi ngày trong thang máy, với bao tâm trạng cảm xúc khác biệt mỗi ngày. Xuyên suốt cả bộ phim nhưng họ chưa hề dám mở lời với nhau, nhưng những cảm xúc họ dành cho nhau thì khán giả đều hiểu. Họ hồi hộp theo dõi diễn biến cảm xúc của nhân vật, mong chờ đến đoạn cuối phim, chờ một cái ngoảnh mặt nhìn nhau thôi và câu xin chào từ ai đó. Nhưng rồi lại không có một câu chào, để bắt đầu một mối quan hệ “tình trong như đã mặt ngoài còn e” được nhen nhóm mỗi ngày bên trong một chiếc thang máy. Một câu chuyện để lại gì đó tiếc nuối, nhưng cũng đầy suy nghĩ. Đã bao nhiêu lần chúng ta chẳng thể làm quen, vì sự ngại ngùng ngăn cản, hay đơn giản thì là một câu chào “xã giao” cho một người gặp nhiều lần, mà chúng ta chưa thể hiện sự thân thiện ẩn náu trong ta từ lâu. Điều này khá phổ biến với những shy boy, shy girl (chàng trai, cô gái nhút nhát), trong họ là những con người biết trân quý tình yêu, khao khát được yêu, nhưng người thương thì chưa đến.
Vào mỗi ngày đi làm, chúng ta luôn chung thang máy với một cơ số người, một điều rất phổ biến tại tòa nhà có nhiều văn phòng làm việc. Nhưng chúng ta sẵn sàng bỏ qua họ mỗi ngày, mắt không thấy, tai không nghe, coi như họ “vô hình” trước mắt ta, chỉ bởi một điều, ta không quen họ. Và đây là muôn lời bào chữa cho sự “nhút nhát” của họ.
Câu chuyện xã giao đôi khi luôn có những trở ngại nhất định, những lý do rất con người. Có thể chúng ta sẽ không chào một ai đó, vì chúng ta sẽ chẳng có thói quen làm quen với người lạ. Một xã hội đa dạng con người mà biết đâu ẩn chứa những cạm bẫy, những trapboy, trapgirl sẵn sàng “bắn” cho chúng ta những miếng “thính thơm” mà khi “đớp” phải sẽ là những chú “lừa” ngoan ngoãn bị dắt mũi. Chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những thứ độc hại thì cũng đâu có sai.
Chúng ta cũng sẽ chẳng chào một ai đó vì sự ngại ngùng vây kín, vì chào một người lạ, dù chỉ là một cái hello, cũng đem lại cho sự ngại ngùng và những suy nghĩ vơ vẩn. Một câu chào với người lạ có thể là mồi châm ngọn lửa ghen tuông nhen nhóm, dù chẳng có chút tình riêng. Hay có những lúc ta e ngại hình ảnh của ta bị hoen ố bởi những suy nghĩ thiếu cởi mở của người đối diện Hẳn ai đó nghĩ rằng ta đang gạ gẫm họ với những lời đường mật, đầy tính dụ dỗ, vậy tại sao ta phải chào, phải bắt đầu cho người khác định danh mình cho một thứ mà ta sẽ không làm, hoặc có thể sẽ không thèm làm. Chúng ta cũng chẳng chào một người lạ, vì chúng ta không có “nhu cầu” làm quen, dù một cái chào thân thiện cũng chưa hẳn bắt đầu một tình bạn, hay đi xa hơn là sự thân thiết nào đó. Và ai đó cũng sẽ chẳng chào một ai đó vì sự kiêu chảnh của chính mình, tại sao ta lại phải chào họ trước, điều đó sẽ làm “mất giá” của ta trước người đối diện, rồi họ sẽ nghĩ ta phải “làm thân, làm quen” với họ vì một mục đích nào đó. Đó là nhân sinh quan mà cơ số người chúng ta đều mắc phải.
Những quan điểm, tâm tưởng đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người, khỏa lấp sự thân thiện đang tiềm ẩn trong mỗi người, khiến người ta cất nó vào trong hộc tủ và khóa lại. Có lúc họ đã quên mình nắm giữ chìa khóa để mở, và thế là sự thân thiện chẳng thể nào được mở ra.
Sâu thẳm bên trong, con tim vẫn chờ được mở khóa bằng sự chân thành, sự cầu thị, một tâm tưởng cởi mở. Nhưng điều đó chỉ đúng với cái tâm trong sáng, thiện lương của mỗi con người. Trong một xã hội đầy rẫy sự toan tính và phức tạp, một ánh sáng của sự thân thiện không nên bị trá hình cho sự tham lam và tư lợi, đặc biệt khi bạn không còn độc thân.
Nhưng với ai vẫn đang thiếu vắng “một nửa kia” đích thực, biết đâu, họ vẫn “cố ý” đi qua bạn hàng trăm lần mà bạn không hề hay, hoặc họ vẫn luôn ở đó, và chỉ nơi đó mỗi ngày để bạn nhận ra sự hiện diện của họ, và chờ bạn nói “Hi”.