Câu chuyện Tây Du Ký đã quá nổi tiếng, và câu chuyện tình giữa nàng Nữ Vương và Đường Tăng trong bộ phim Tây Du Ký 1986 đã làm vấn vương biết bao thế hệ người hàng thập kỷ nay. Nên dù bộ phim đã được nhiều làm nhiều năm, nhưng những triết lý trong đó chẳng hề thay đổi.
Ngoài câu chuyện của 4 thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, tác giả Ngô Thừa Ân còn đưa vào trong đó những tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, câu chuyện mà khiến nhiều năm trôi qua, những người xem vẫn tiếc nuối cho chuyện tình đẹp của chàng trai và cô gái vốn không thể thuộc về nhau.
Tây Du Ký đâu chỉ xoay quanh những màn trừ yêu diệt ma, hàng phục yêu quái của Tôn Ngộ Không và các đồ đệ của Đường Tăng. Có lúc ta đã quên mất rằng nhân vật chính là Đường Tăng – người trần mắt thịt, không một chút tài phép, hi sinh những tình cảm riêng tư để hoàn thành nghĩa lớn. Có câu nói “Đường đi thỉnh kinh, có 81 kiếp nạn, thì 80 kiếp nạn là của Tôn Ngộ Không, chỉ có 1 kiếp nạn là dành cho Đường Tăng”. Câu nói này của một bạn đã khơi dậy cảm hứng của tác giả cho bài viết. Liệu rằng câu chuyện Tình Nhi Nữ có thật là kiếp nạn của Đường Tăng ?
Qua lăng ký của những cô, cậu bé thì đây là một chuyện quá dễ dàng, càng không thể nói là “kiếp nạn” của Đường Tăng. Nhưng càng lớn, nhiều người càng xót thương cho nàng Nữ Vương. Nàng xinh đẹp như hoa như ngọc, khiến bao người đàn ông sẽ phải nhung nhớ cái sắc đẹp ấy, nhưng nàng lại chờ quá lâu cho một người trong mộng thật sự – Đường Tăng. Nàng chấp nhận từ bỏ ngai vàng, dâng vị trí Quân vương cho một người tu hành. Ôi sao mà nàng lại dại dột thế, sẽ có nhiều người thốt lên, một Nữ Vương quyền quý thì nạp bao nhiêu Hoàng quân chả được. Đúng, nàng sẽ chỉ dại dột một lần duy nhất, cho một lần rung động có lẽ là duy nhất, với một người mà sẽ “thất hứa” với nàng. Câu chuyện này trên phim được diễn đạt quá xuất sắc bởi hai diễn viên Chu Lâm và Từ Thiếu Hoa. Ai mà quên được ánh mắt quyến luyến, e lệ, một lòng tình si của nàng Nữ vương do bà thể hiện. Ai mà không giận cái lòng dạ sắt, phũ phàng của Đường Tăng chứ. Đúng như cái tên của câu chuyện, Tình Nhi Nữ thì đâu phải một là một, hai là hai, đã yêu thì không thể ngừng si mê, ngừng đắm say cho được, dù cho sự ngượng ngùng của một cô gái có che dấu chút đi, nhưng có ai mà không hiểu tâm ý của nàng cơ chứ.
Nhưng nàng lại yêu người không thể yêu, một người trần mang sứ mệnh của Đức Phật, đó là Đường Tăng. Nếu Đường Tăng từ bỏ sứ mệnh, tạo với Nữ Vương một câu chuyện tình đẹp thì khán giả sẽ yêu thích biết bao. Nhưng Đường Tăng đã tu mười kiếp để lấy chân kinh, nhận ủy thác của Vua Đường, thì làm sao có thể bỏ trọng trách đấy được. Ngài luôn tôn trọng thanh quy, giới luật, nhưng lại nói dối đúng một lần, đó là hẹn làm “vợ chồng” với nàng kiếp sau. Nhưng Đường Tăng đã thành tiên rồi thì làm gì có kiếp sau mà hứa với hẹn. Ngài lấy được chân kinh, cứu được vô số chúng sinh rồi, nhưng nỗi nhớ nhung da diết của một đời cô gái đem lòng yêu ngài, ai sẽ cứu đây? Đường Tăng cũng phải day dứt cho lựa chọn của chính mình, bên tình bên nghĩa, bên nào nặng hơn? Ngài có lẽ tụng bao nhiêu kinh Phật để quên đi cái nhói lòng ngài đã chọn đây?
Đây dù sao cũng là một tác phẩm hư cấu dựa trên nhân vật có thật lịch sử – Đường Tăng, nhưng cái chữ tình mà Ngô Thừa Ân đã gửi vào trong tác phẩm, khiến nó không đơn thuần là một câu chuyện về Phật giáo, mà còn những câu chuyện tình cảm của con người rất người trong đó.