Lời nói đầu:
Vào một ngày, tôi bỗng nảy ra ý tưởng để viết câu chuyện mang tính chất giải trí nhưng lại đề cập và dựa trên những vấn đề vẫn luôn hiện hữu trong xã hội.
Tất cả những điều nêu ở đây, nếu có liên quan đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, thì hoàn toàn chỉ sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và nó hoàn toàn là một câu chuyện mang tính chất giải trí.
Đây là tổng hợp những trải nghiệm của cá nhân tôi, và rất nhiều cá nhân khác, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài. Do đó, sẽ không tránh khỏi những ý kiến chủ quan, hoặc “vơ đũa cả nắm’, trong khi ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều cá nhân, gia đình văn minh, vẫn đang góp phần để đất nước chúng ta giàu đẹp hơn. Tôi muốn cảm ơn tới những con người như vậy. Tôi tin rằng, khi một người văn minh, nhiều người văn minh, cả xã hội văn minh, chúng ta có thể xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt những người nước ngoài, góp phần đưa văn hoá đẹp của người Việt vươn ra thế giới.
***
Kết thúc buổi học, một buổi học mệt mỏi và chỉ biết nghe và nghe. Lim đã suýt ngủ gật mấy lần trong giờ học hôm nay. Suốt buổi học James cứ ghi ghi chép cái gì đó rất chăm chú, đôi lúc còn tủm tỉm cười, cứ như đang viết một phát minh vĩ đại đến nơi. Tiếng chuông kết thúc giờ học vội vã đã khiến cậu ta đã bỏ quên cuốn sổ đó lại. Hoá ra là nhật ký của James, những câu chữ khiến Lim cũng phải phì cười vì những dòng mà hắn viết. Sau khi tìm được blog của Lim, tôi lại vội vã chia sẻ lên đây những dòng nhật ký vội của James, một người Tây.
**
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi rất háo hức vì sang đây tôi sẽ gặp lại Tate và Lucy, hai người bạn học của tôi ngày xưa, bây giờ họ cũng sang Việt Nam làm việc. Họ đã gửi xe đến tôi ở sân bay, tay tài xế là một tay khá thân thiện. Trước khi đến đây tôi đã được dặn là nên học vài câu tiếng Việt cơ bản, thì sẽ chiếm được cảm tình của người dân bản xứ. Và thật sự điều đó có tác dụng, tiếng Việt là một tiếng nói khó, nên trong vài ngày tôi chỉ nói được lơ lớ. Tôi vừa nói vài câu, bác lái xe của tôi cứ cười khanh khách, rồi vỗ đùi đen đét, ra vẻ khoái chí lắm, luôn miệng nói cái gì đó mà tôi chẳng hiểu, tôi chỉ nghe được “Tây, tây” gì đó. Không biết họ có hiểu nhầm ý tôi không nhỉ ? Thế là hành trình trải nghiệm kéo dài ba tháng của tôi bắt đầu. Người Việt hay có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Và quả thật tôi đã đúc kết được một số điều thú vị như sau, mà đúng là chỉ có sang Việt Nam mới có thể biết được.
Điều đầu tiên tôi thấy là ở đây, họ rất thói quen mặc đồ ninja và các đồ bảo hộ khi ra đường. Có lẽ những con đường khói bụi và cái nắng gay gắt ở đây đã khiến người Việt hình thành thói quen này. Ở đây, không khó để bắt gặp những cơn bão cát mù mịt như sa mạc Sahara, dù đây là thành thị. Nhưng con bão cát này đôi khi khiến việc giao thông trở nên ùn tắc, vì không thể nhìn thấy người ở phía trước và phía sau mặc dù có thể chỉ cách họ 2 mét. Phụ nữ ở đây hoá ra họ còn kín đáo hơn cả người theo đạo Hồi, họ đeo kính đen, khẩu trang kín mít, còn bộ đồ choàng kéo dài đến mắt cá chân. Nhìn được hình dáng, khuôn mặt họ khi đi ngoài trời là điều không tưởng. Nam giới họ mặc ít kín đáo, nhưng cũng đeo khẩu trang và kính mát, khiến bạn thân cũng chả nhận ra nhau với bộ dạng như vậy. Nhưng làm sao có thể “mở cửa” cho các cơ quan hô hấp, khi mà trên đường chỉ đầy khói bụi, với sự góp sức của các công trình xây dựng lộ thiên, mà không hề có sự che chắn của phông bạt để ngăn cát bụi bay ra ngoài đường.
Ngoài ra, đèn đỏ ở đây đôi khi không có nghĩa là dừng. Một hôm nọ, tôi dừng lại tại một đèn đỏ ở ngã tư, nhưng tôi là người duy nhất dừng lại ở đây, còn các phương tiện khác lần lượt vượt qua bỏ lại tôi là người duy nhất dừng ở trước vạch. Chưa kể những người vượt qua, còn ngoái đầu nhìn về phía tôi, như thể tôi là một sinh vật lạ biết điều khiển phương tiện giao thông. Sau đó, tôi rút ra kinh nghiệm là nếu bạn không muốn là kẻ lập dị ở đất nước này, hãy vượt đèn đỏ theo số đông, nhưng an toàn hay không vẫn là do bạn lựa chọn.
Có những lúc khái niệm vỉa hè và lòng đường là như nhau. Vào giờ tan tầm, các xe cộ đi lại đông đúc, khi mà lòng đường đã trở nên quá tải. Các xe lần lượt lao lên vỉa hè để đi, lúc này đã không có khái niệm phần đường dành cho người đi bộ nữa mà chỉ có phần đường dành cho các phương tiện giao thông. Tôi vẫn nhớ hôm mà tôi đến thăm nơi mà Lucy làm việc. Ở đây có một bảng ghim rất thú vị, gọi là bảng thú nhận, nơi mọi người thổ lộ những bí mật riêng tư của mình một cách rất dễ thương mà cần để lại danh tính. Ví dụ như là: tôi đã ăn vụng bánh sinh nhật của chị gái, hay tôi đã tiêu hết quỹ đen của chồng vào việc mua túi xách (quỹ đen là gì nhỉ ?)..vv. Tôi chợt nhận ra dòng chữ của Lucy: “ Tôi hôm nay vừa đi xe lên vỉa hè, điều mà tôi chưa từng làm trước đây”. Lucy là người rất quy củ và nguyên tắc, cô ấy chưa từng vi phạm nguyên tắc gì của bản thân. Nhưng đôi khi con người vẫn phải thuận theo tình huống mà làm.
Con người Việt Nam sáng tạo vô cùng. Ở đất nước tôi, họ rất hạn chế dùng còi xe, chỉ dùng khi thật sự cần. Nhưng ở Việt Nam, còi xe được dùng một cách sáng tạo hơn nhiều. Họ có thể bấm lúc đường đông, bấm lúc vội, và bấm cả lúc vui, cả lúc buồn. Mỗi khi có kẹt xe, tiếng còi xe bấm liên hồi, kết hợp với tiếng gọi lớn của người đi đường, tạo nên một bản giao hưởng tắc đường quen thuộc mà ngày nào tôi cũng được nghe. Chưa kể người Việt Nam còn biết phối kết hợp của các loại còi xe với nhau thành một bản nhạc để sử dụng trong việc cổ vũ bóng đá.
Diễn viên xiếc ở khắp mọi nơi. Nếu như ở châu Âu luôn có các ảo thuật gia đường phố, hay ở Trung Quốc có những mãi võ Sơn Đông, thì ở Việt Nam, các gánh xiếc nghiệp dư xuất hiện đầy đường. Điểm khác biệt ở đây đó là những ảo thuật gia đường phố, hay cánh mãi võ biểu diễn để kiếm tiền, còn những gánh xiếc trên thì họ biểu diễn bất chấp bạn có thích hay không, và họ biểu diễn không cần bạn cho tiền, họ diễn theo cảm hứng cá nhân của họ. Như hôm vừa rồi, khi tôi đang đi thong thả bên vệ đường, thì có một đám thanh niên tóc có nhiều màu sặc sỡ lao thẳng vào tôi, khiến tôi sợ hãi phải nhảy khỏi xe, nhưng hoá ra khi gần đến họ lại bẻ lái rất nhanh, gần như chỉ lái sát tôi tầm 2cm thôi. Họ còn biểu diễn kỹ thuật lái xe theo hình zig zag, drift điệu nghệ điêu luyện như những tay đua chuyên nghiệp nhiều năm. Chưa kể, họ còn tổ chức thi bốc đầu xe, lái xe một bánh xem ai nhanh hơn, và còn rẽ với chỉ một bánh trên đường. Chán lái xe bằng một bánh, họ còn biểu diễn kỹ năng lái xe bỏ cả hai tay, có trường hợp điệu nghệ hơn, còn dùng chân để lái. Họ còn thể hiện sự sáng tạo bằng cách dùng chân chống xe (mà trước nay chỉ có một nhiệm vụ là giữ xe khỏi đổ) quẹt xuống lòng đường, để tạo ra những tia lửa rất đẹp. Hầu hết họ đều rất trẻ. Công nhận là diễn viên xiếc Việt Nam họ trẻ mà tài năng thật.
Người Việt cũng rất cuồng nhiệt. Điều mà không nhiều cổ động viên bóng đá hay bất kì môn thể thao nào trên thế giới làm được. Họ có thể tranh luận hàng giờ về một vấn đề mà không biết chán. Những cử chỉ mạnh như nhảy lên, tay đập với nhau chan chát có thể được kết hợp để làm gia tăng kịch tính cho cuộc tranh luận. Điển hình nhất là trong vấn đề về va chạm giao thông, họ thường kết hợp việc dùng âm lượng lớn hơn và chiến thuật “tấn công phủ đầu” để giành lợi thế trong các cuộc tranh cãi, thay vì hòa giải trong yên lặng, ai về nhà nấy.
Người Việt có niềm tự hào rất lớn về bố mẹ và vị thế xã hội. Trong sinh hoạt thường ngày, dù vô tình hay cố ý, họ thường khoe về bố mẹ của họ với người đối diện hay trước đám đông. Điều này khá phổ biến trong giới thanh niên, và thậm chí họ còn khoe khéo với sếp, với cảnh sát, hay với một số cơ quan chức năng. Họ cũng rất tự hào về nghề nghiệp bản thân, dù trong hoàn cảnh nào, thì vị thế của họ với xã hội cũng được khoe một cách công khai hay khéo léo.
…. còn tiếp
Mời các bạn đón đọc phần 2 tại đây:
One Reply to “Truyện ngắn: Nhật ký của Tây – Phần 1”